Báo PLVN số 293 (20/10/2011) có bài phản ánh chuyện gần 1 năm nay, hơn 100 hộ dân tổ dân phố số 1, số 2, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm bị cắt điện sinh hoạt; gần đây hơn 80 hộ dân bất ngờ bị công an xã phá dỡ biển số nhà mà không hề thông báo trước. Đằng sau những sự kiện trên là gì?
Chủ tịch xã che giấu hay quan liêu?
Lý giải với phóng viên về cách hành xử của chính quyền trong 2 vụ việc trên, Chủ tịch UBND xã Phú Diễn Phí Lê Bình cho hay:“Sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB), phần đất còn lại của các hộ trên đều do UBND xã quản lý, mới bị các hộ dân lấn chiếm, xây dựng không phép nên bị cắt điện sinh hoạt và không được chính quyền làm thủ tục gắn biển số nhà”.
Theo ông Bình, phấn đất này bị lấn chiếm trong 1 vài năm trở lại đây, gồm 3 dạng khác nhau: lấn chiếm khu đô thị Kiều Mai; lấn chiếm đất nông nghiệp và lấn chiếm đất lưu không cầu vượt đường sắt và “theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi sẽ sớm giải phóng mặt bằng nốt phần đất này”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi việc GPMB này để thực hiện dự án nào thì ông Bình trả lời: “Chưa có dự án nào cả, thu hồi đất để chính quyền xã quản lý”.
Trao đổi với phóng viên vấn đề này, luật sư Vũ Lợi (Đoàn LS Hà Nội) cho hay: Hàng trăm hộ dân đã sinh sống ổn định nơi đây từ hàng chục năm nay thì không thể cứ nói lấy đất dân đang ở để “chính quyền quản lý” được, trừ khi có những dự án cấp thiết hay công trình quốc gia….
Để tìm hiểu cụ thể hơn về nguồn gốc đất của các hộ, chúng tôi đề nghị Chủ tịch xã Phú Diễn cung cấp một số tài liệu liên quan như, biên bản vi phạm hành chính, bản đồ địa chính…thể hiện “đất mới lấn chiếm”, thì ông Bình chỉ cho phóng viên xem bản đồ địa chính của thôn Kiều Mai được đo vẽ năm 1994.
Theo bản đồ này, rất nhiều hộ dân vẫn còn đất ngoài chỉ giới đường 32. Như vậy càng không thể nói phần đất các hộ ở đây là “mới lấn chiếm” mà ít ra, họ cũng đã sử dụng từ năm 1994 (thời điểm đo vẽ bản đồ). Một số hộ dân cho hay, “thực tế, diện tích đất này đều được chúng tôi sử dụng từ trước năm 1993 nhưng đến năm 1994 mới đo vẽ bản đồ.
Theo quy định, diện tích đất này đủ điều kiện được đền bù theo diện đất ở nhưng không hiểu sao khi GPMB để mở rộng Quốc lộ 32, chúng tôi không được bồi thường, mà chỉ được hỗ trợ 50% giá đất. Để đảm bảo tiến độ thi công QL 32, chúng tôi chấp nhận bàn giao mặt bằng nhưng sẽ tiếp tục có ý kiến về những phương án bồi thường của huyện Từ Liêm trước đây”.
Những nghi vấn tiêu cực
Nhiều dấu hiệu tiêu cực Quá trình điều tra, tìm hiểu sự việc nơi đây, phóng viên còn phát hiện những dấu hiệu tiêu cực nghiêm trọng liên quan đến công tác BTHT&TĐC GPMB phục vụ dự án QL 32 từ năm 2010. Trong đó, có những phương án bồi thường hoàn toàn gian dối… |
Để lý giải cho việc không cho các hộ dân treo biển số, không cho tiếp tục sử dụng điện sinh hoạt, Chủ tịch xã Phí Lê Bình khẳng định: Các hộ dân đã bị thu hồi hết đất cho dự án QL32, không còn mét đất nào nữa. Tuy nhiên, theo những phương án về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHT&TĐC) do huyện Từ Liêm lập ra mà chúng tôi thu thập được thì rất nhiều hộ dân vẫn còn “diện tích đất còn lại” sau khi đã bị thu hồi.
Ví dụ, hộ ông Khúc Minh Cường, số nhà 100 tổ 2 Phú Diễn bị thu hồi 79,2m2. Hội đồng BTHT&TĐC huyện Từ Liêm xác định “diện tích còn lại” của gia đình ông Cường là 28,4m2; hộ bà Nguyễn Thị Tâm số nhà 38 tổ 2 Phú Diễn, bị thu hồi 172,5m2, diện tích còn lại của bà Tâm là 21,5m2; hộ ông Lê Thiện Quý ở Tổ 1 Phú Diễn sau khi bị thu hồi 77,6m2, diện tích đất còn lại của ông Quý là 28,6m2…
Ngoài ra, khi trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Diễn phụ trách mảng địa chính ông Trần Bằng, cho biết, dự án mở rộng đường 32 đã lấy hết phần đất lưu không chân cầu vượt đường sắt. Như vậy, diện tích đất của các hộ còn lại sau GPMB đường 32 hiện nay không thể là đất lưu không chân cầu vượt đường sắt như lời của ông Bình nói?
Có thể thấy, ở đây xuất hiện việc che giấu sự thật mà thiệt thòi chính là hàng trăm hộ dân tổ 1, tổ 2 Phú Diễn, dễ thấy nhất qua việc họ bị phá dỡ biển số nhà cũng như bị cấm sử dụng điện sinh hoạt hơn 1 năm qua.
Khoa Lâm