Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhằm chuẩn bị nội dung của kỳ họp bất thường tới đây của QH, Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của UBPL thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật); thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc đưa dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022…
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật sẽ được QH sẽ xem xét thông qua theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Dự án Luật nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của QH.
Trình bày thẩm tra sơ bộ nội dung này, Phó Chủ nhiệm UBPL Trần Thị Hồng Nguyên cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với việc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, vốn quy định một trong các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là “Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật. Tuy nhiên, UBPL cũng đề nghị, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá kỹ hơn về thực trạng triển khai thi hành Luật, bám sát thực tiễn, phản ánh khách quan kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của luật, vướng mắc nào liên quan tới các nguyên nhân khác ngoài luật để làm cơ sở vững chắc cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở là nội dung rất quan trọng, liên quan đến chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, xây dựng, đầu tư, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Ngoài ra, cần bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phòng ngừa việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm đồng thời bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.