Thôn Đông Phước có trên 1.500 hộ dân, trong đó xóm Soi gần 220 hộ. Người dân cho rằng, tình trạng nhiễm mặn xảy ra từ khi có công trình hút cát để nâng mặt bằng cho khu đô thị mới. Hơn hai tháng nay, bà Nguyễn Thị Lý (50 tuổi) phải mua nước bình về sử dụng bởi giếng nước của gia đình mặn chát, không thể uống hay nấu nướng.
“Khi họ múc sâu xuống tương đương mặt nước ngầm thì nước biển chảy tràn ra, ngấm xuống mạch nước ngầm gây nên tình trạng nhiễm mặn bất thường. Mấy chục năm nay, xóm chưa bao giờ bị thế này”, lời bà Lý.
Bà Lý cho biết, hơn 10 ngày trước, từ khi dân phản ảnh, có một chiếc xe hơi đến khu vực này chở các ống hút cát đi nơi khác. Từ đó đến nay, không thấy công trình hút cát nữa: “Mấy bữa nay nhờ mưa, với họ không hút cát nữa nên cây cỏ xanh tươi lại chút ít, chứ tháng trước cây nào cũng héo úa. Tôi trồng đám cỏ cho bò cũng không sống được huống chi là rau”.
Cùng quan điểm, cụ Võ Văn Sanh (87 tuổi) cho biết khu vực này người dân làm nông nghiệp là chính vì nước và đất ở đây rất tốt. Từ ngày dự án hút cát tới làm đảo lộn cuộc sống của dân, từ việc sinh hoạt cho đến trồng trọt. “Tôi già như thế này, đi không nổi, mà vẫn phải qua xóm khác lấy nước về sinh hoạt”.
Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, không chỉ khiến người dân loay hoay khi các giếng nước bị mặn mà diện tích đất trồng trọt cũng bị bỏ hoang. Ông Đỗ Văn Sử (58 tuổi) đang nhổ mấy luống rau bỏ đi vì héo úa, nói: “Nước uống vào mặn chát, tắm còn ngứa, tưới cây cũng chết. Đất trong xóm này đều bỏ hoang hết, không làm gì được”.
Ông Sử cho biết, trước mắt, đa phần người dân “tự chịu”, tự khắc phục, nhiều hộ làm đơn báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương, mong sớm có giải pháp nhưng hiện chưa thấy động tĩnh gì.
“Nhà tôi đã khoan 4 giếng rồi nhưng vẫn còn bị nhiễm mặn, phải khoan với chiều sâu 40m mới có nước sinh hoạt để dùng. Tôi phải đi vay tiền về khoan cho có nước để tưới tiêu. Đất này mướn 4 triệu/năm để trồng mà giờ không cây gì sống nổi, mong chính quyền sớm có can thiệp, tạo điều kiện cho bà con có nước máy dùng hoặc hỗ trợ chi phí khoan giếng”.
Nói về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tính, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, khu dân cư thôn Đông Phước thuộc khu vực triển khai Dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Ba. Đây là dự án kè chống sạt lở kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị, đoạn từ cầu Đà Rằng cũ đến cầu Đà Rằng mới, do BQL các dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 816 tỷ đồng. Công trình đang trong quá trình thi công. Không chỉ nhận thông tin phản ánh của người dân về việc nước sinh hoạt của các hộ dân ở dọc khu vực kè bị nhiễm mặn, huyện còn nhận được đơn thư liên quan vấn đề này.
Theo ông Tính, huyện đã thành lập Tổ công tác tổ chức kiểm tra thực tế. Ngày 29/4, tổ này phối hợp UBND xã, BQL dự án sẽ lấy mẫu nước để kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân và sẽ trả lời chính thức. Nếu đúng như phản ánh của bà con là nước nhiễm mặn do việc hút cát từ lòng sông, chính quyền sẽ phối hợp với các ngành chức năng có cách xử lý.
PV đã liên hệ với BQL các dự án tỉnh Phú Yên nhưng được hẹn vào ngày khác.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.