Lô E4 Dự án Khu đô thị Yên Hòa được xác định là đất ở kinh doanh để xây các cao ốc vì mục đích thương mại. Nhưng Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội đã quá hời khi “né” được khoản bồi thường đất theo giá thị trường, trị giá tiền tỷ.
Khu đô thị mới Yên Hòa, Hà Nội |
Chỉ bằng 1/10 giá thị trường
Ngày 10/8/2004, UBND TP.Hà Nội có Quyết định 4941 thu hồi 257.669 m2 đất tại các phường Trung Hòa và Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) giao cho Cty CP Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội triển khai Dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Yên Hòa. Văn bản này viết rõ: trong số diện tích này có 50.829m2 đất thuộc các lô E1, E2, E3, E4, E5, F4, F5… được dùng để xây nhà ở chung cư cao tầng; phần còn lại là biệt thự nhà vườn, siêu thị, hạ tầng kỹ thuật…
Nhìn tổng thể, thì đây là một dự án vì mục đích kinh doanh thương mại, và tiểu dự án E4 với tên gọi trong bản vẽ quy hoạch là “E4 Tower” là một hợp phần cấu thành nên dự án. Tuy nhiên, khi thu hồi đất để triển khai xây dựng, nhiều hộ dân trong vùng dự án phải chịu thiệt thòi vì bị áp giá đền bù theo khung giá đất của nhà nước - tức là thấp hơn nhiều lần so với mức giá trên thị trường.
Ông Bùi Lê Huy (tổ 55, phường Yên Hòa), nói: “Các dự án vì lợi ích công cộng thì mới áp giá theo khung giá đất do nhà nước quy định. Trường hợp này vì mục đích kinh tế, có nghĩa chủ đầu tư có lợi nhuận. Mà theo luật, khi “anh” vì lợi nhuận, vì mục đích kinh doanh thì phải thỏa thuận với người bị thu hồi đất sát với giá thị trường bất động sản”.
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, lô E4 được bố trí để xây 3 khối nhà cao 19, 21 và 25 tầng với 329 căn hộ; trong đó, có 90 căn hộ để phục vụ cho công tác tái định cư toàn dự án. Có nghĩa phần lớn khu dự án này là kinh doanh, nhưng UBND quận Cầu Giấy lại phê duyệt phương án bồi thường về đất cho dân với mức giá 15,4 triệu đồng/m2? Trong khi tại thời điểm đó, giá mỗi mét vuông đất ở đây giao dịch trên thị trường địa ốc ngót ngét cả trăm triệu đồng.
Có thỏa thuận ngầm?
Cho rằng mình bị ép giá, nhiều hộ gia đình đã làm đơn thưa gửi nhiều nơi mong muốn được xem xét lại, đồng thời họ còn thu thập các tài liệu liên quan để làm căn cứ bảo vệ quyền lợi của mình. “Trong quá trình này, chúng tôi thu thập được một số tài liệu chứng minh chủ đầu tư có sự bắt tay thỏa thuận đền bù với một số hộ giá 100 triệu đồng/m2. Số đông còn lại như chúng tôi thì không được thỏa thuận mà phải nhận mức giá “bèo” - ông Huy cho biết thêm.
Đáng chú ý, trong số các tài liệu các hộ dân mang đến tòa soạn đề nghị xác minh, làm rõ, chúng tôi phát hiện có một số “Giấy nhận tiền”, “Hợp đồng mua bán”, “Biên bản thanh lý việc mua bán nhà, đất ”…, trên đó ghi rõ mức giá, tên tuổi, của bên bán (các hộ gia đình) và bên mua là ông Trần Hồng Tâm - Giám đốc Cty CP Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội.
Xin được dẫn chứng cụ thể: Tại “Biên bản thanh lý mua bán nhà, đất và các tài sản gắn liền với đất tại số nhà 45, tổ 55 phường Yên Hòa” được lập giữa hai hộ dân với ông Giám đốc Trần Hồng Tâm ngày 5/5/2010, thể hiện rõ: “Bên bán bán đứt cho bên mua toàn bộ ngôi nhà và quyền sử dụng đất cùng các tài sản trên đất tại số nhà 45 tổ 55… giá mua bán theo thỏa thuận giữa hai bên là ba tỷ đồng chẵn”.
Thường thì khi thu hồi đất làm dự án, chủ đầu tư chỉ căn cứ vào phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư do cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành chi trả cho đối tượng bị thu hồi đất. Nhưng rất lạ là trong trường hợp này, dù đã có phương án đền bù do UBND quận Cầu Giấy phê duyệt, Cty CP Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội còn lập thêm một số “Hợp đồng”, “Biên bản thanh lý việc mua bán nhà, đất” với một vài hộ dân?.
Phải chăng nội dung cam kết “giá mua bán theo thỏa thuận giữa hai bên là ba tỷ đồng…” mà Giám đốc Tâm đã ký là một thỏa thuận ngầm giữa chủ đầu tư với số ít các hộ đã đấu tranh đòi quyền lợi mạnh mẽ, còn những hộ yếu thế thì phải chấp nhận nhận mức đền bù theo khung giá nhà nước từ doanh nghiệp?
Trước những ngờ vực của dư luận, phóng viên PLVN đã liên lạc với Giám đốc Tâm đề nghị ông cung cấp thông tin liên quan đến dự án, đồng thời giải thích rõ có hay không việc chủ đầu tư đã bí mật làm giá dẫn tới sự không công bằng trong chính sách đền bù giữa các hộ tại Dự án E4, Khu đô thị mới Yên Hòa?, nhưng ông Tâm thoái thác: “Mọi việc và giấy tờ liên quan đến Dự án Yên Hòa, dưới Ban quản lý dự án họ nắm rõ hơn tôi.”, rồi cáo bận vì “cuối năm, rất nhiều việc.”
Nguồn tin PLVN cho hay, trong bản công bố thông tin của Cty CP Đầu tư Xây dựng cầu đường Hà Nội tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hồi cuối 2009, có đoạn: Cty liên danh với Cty CP Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội tại Dự án Yên Hòa, vốn làm dự án chia đều cho 2 cty, các nhà đầu tư, phần còn lại vay ngân hàng. Ngoài ra, trong Báo cáo tài chính năm 2010 của Cty CP Đầu tư Xây dựng dân dụng Hà Nội, dự án E4 Yên Hòa được nhắc đến là khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Như vậy, rõ ràng đây là dự án kinh doanh, nhưng doanh nghiệp đã tìm cách “né” bồi thường theo giá đất trên thị trường? |
Võ Tuấn