Nguy hiểm nếu tư vấn thiết kế không có năng lực, kinh nghiệm
Dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Tịnh An và Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi). Đập dâng cách cầu Trà Khúc 2 khoảng 3,2km về phía hạ lưu.
Dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tháng 4/2004 tổng mức đầu tư 60,7 tỷ. Mục tiêu lúc đầu để giữ nước, tạo mức nước dâng trên sông Trà Khúc, đoạn qua TP Quảng Ngãi nhằm tạo cảnh quan phục vụ du lịch, giải trí và ngăn xâm nhập mặn...
Khi dự án mới phê duyệt, thân đập được làm bằng cao su. Sau gần chục năm trời “ngâm tôm”, tỉnh Quảng Ngãi mới đây hối hả khởi động lại dự án, thay đổi mức đầu tư lên 1.500 tỷ, thời gian thực hiện từ năm 2018 – 2021; trong khi đó công tác đánh giá tác động môi trường còn bất thường, có sự lập lờ, gian dối về năng lực...
Đánh giá về dự án, một số chuyên gia thủy lợi cho biết, về quy mô bản chất, đập dâng Trà Khúc là cống ngăn sông vùng triều, là hạng mục chính quan trọng nhất quyết định đến khả năng ổn định, an toàn, tiêu thoát lũ; còn phần nối tiếp bờ kết hợp xả tràn chỉ phụ trợ, tạo cảnh quan.
Trong quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh, cống ngăn của đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lập dự án.
Theo văn bản thẩm định của Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Ngãi (số 2666/SNNPTNT ngày 31/8/2018 về thông báo kết quả thẩm định), cống ngăn của dự án được thiết kế theo công nghệ đập trụ đỡ; gồm 19 khoang, mỗi khoang rộng 37,8m, âu thuyền rộng 10m, đường cá đi rộng 5m và tràn xả thừa dạng piano nối tiếp bờ rộng 121,2m, cầu giao thông rộng 12m với chiều dài 974m... Đây là cống ngăn sông có tính chất phức tạp và quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đối với 19 khoang tiêu thoát lũ, ngăn giữ nước bằng cửa van thép, mỗi cửa rộng gần 40m, cao 5.5m (nặng xấp xỉ 200 tấn); cũng là một trong những cửa van thép lớn nhất hiện nay ở nước ta.
Về giải pháp thi công lắp đặt cửa: Với trọng lượng bản thân của cửa rất lớn, trong quá trình thiết kế, nếu nhà thầu không có kinh nghiệm sẽ không có biện pháp thiết kế lắp đặt phù hợp để đưa cửa vào vị trí theo như thiết kế, sẽ làm cửa bị kẹt, vướng.
Với những đặc điểm trên, Giáo sư Trương Đình Dụ, một trong những chuyên gia đầu ngành về khoa học thủy lợi Việt Nam nhận định, công trình Đập dâng Trà Khúc có kỹ thuật rất phức tạp, nếu tư vấn thiết kế không có năng lực, kinh nghiệm thực sự về thiết kế cống ngăn sông kiểu mới (không đưa ra giải pháp thiết kế công trình và giải pháp vận hành cửa van hợp lý) sẽ dẫn đến khả năng làm thiệt hại lớn đến ngân sách nhà nước khi công trình xảy ra sự cố cửa van và thiết bị điều khiển (không mở kịp thời), làm nước dâng lên cao khiến nước tràn vào TP Quảng Ngãi nằm hai bên bờ sông, hoặc mất an toàn cho cống, làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Vị trí đặt công trình |
Thiếu minh bạch ngay từ khâu mời thầu
Như đã nói trên, phần nối tiếp bờ kết hợp xả tràn trong dự án này chỉ là phần công trình phụ trợ, tạo cảnh quan. Tuy nhiên, hồ sơ mời thầu lại yêu cầu nhà thầu tư vấn phải có công trình tương tự về quy mô kỹ thuật thiết kế tràn dạng piano, kết hợp cầu giao thông. “Như vậy không khác gì việc lấy hạng mục phụ của công trình làm tiêu chí chính mời thầu”, một chuyên gia nêu nhận định.
Mặt khác, công trình không có mục tiêu phục vụ nông nghiệp trong quyết định phê duyệt, mà chỉ có mục tiêu dâng nước tạo cảnh quan, phát triển hạ tầng, giao thông... Thế nên tiêu chí mời thầu lại ghi nhà thầu tư vấn “đã phải thiết kế tràn dạng piano phục vụ cho nông nghiệp”, cũng không liên quan đến gói thầu Dự án, càng cho thấy tính không minh bạch.
Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng những “tiêu chí” trên làm hạn chế tham gia đấu thầu của hầu hết các nhà thầu có năng lực thực sự về thiết kế công trình tương tự như cống ngăn sông khẩu độ lớn. Ngược lại, nội dung mời thầu sẽ tạo điều kiện cho nhà thầu không có năng lực thực sự về thiết kế cống ngăn sông lớn theo công nghệ mới trúng thầu. Từ đó có khả năng gây ra nhiều thiệt hại khi công trình được thiết kế không chuẩn.
Ngoài ra, tại trang 24 của hồ sơ mời thầu có ghi: “Các nhân sự chủ chốt bao gồm các chức danh chủ nhiệm hoặc chủ trì phải có hợp đồng lao động dài hạn hoặc không xác định thời hạn ký với nhà thầu“. Tuy nhiên theo Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước tại mục 5 phần I, có ghi: “Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu...”.
Về đấu thầu, theo tìm hiểu và tài liệu có được của PV, trong liên danh (gồm Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Công ty cổ phần tư vấn Xây dựng Thủy lợi II và Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Giao thông vận tải phía Nam), Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam là nhà thầu chính, tham gia nộp hồ sơ dự thầu gói thầu trên.
Đấu thầu thiết kế gồm hai túi hồ sơ, kết quả điểm chấm thầu về yêu cầu kỹ thuật được cho là rất quan trọng với các nhà thầu. Chủ đầu tư phải gửi thông báo ngay cho các nhà thầu về điểm kỹ thuật, trừ khi không có ý kiến gì về kết quả chấm thầu của các nhà thầu, sau đó mới mở gói đề xuất tài chính. Nhưng Ban quản lý Dự án đã không thông báo kết quả ngay và cũng chỉ một ngày sau lại mở gói tài chính, điều này dẫn đến việc không minh bạch và không đảm bảo tính cạnh tranh theo Luật Đấu thầu.
Sau đó, theo thông báo, liên danh Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam và Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm đạt yêu cầu về kỹ thuật. Liên danh nhà thầu Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đơn vị thành thạo thiết kế cống theo công nghệ đập trụ đỡ lại không đạt yêu cầu kỹ thuật…
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những bất thường của dự án này trong các số báo tới.