Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại Lễ ký kết |
Bốn ngân hàng “rót vốn” vào dự án giao thông trọng điểm quốc gia
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án lớn và có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Dự án đã được các NHTM VietinBank, BIDV, AgriBank, VPBank tài trợ vốn theo phương thức đồng tài trợ, trong đó VietinBank là ngân hàng đầu mối.
Hợp đồng tín dụng đồng tài trợ đã được ký kết tháng 6/2018, tuy nhiên do có những thay đổi trong phương án tài chính, cổ đông của Doanh nghiệp Dự án, tổ chức quản lý điều hành Dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Dự án,… và những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Dự án nên các NHTM phải thẩm định lại để có cơ sở xem xét phê duyệt quyết định tín dụng.
Phương án tài chính mới được ban hành theo QĐ số 2463/QĐ-UBND ngày 02/8/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang. Với những thay đổi trong quá trình triển khai Dự án, VietinBank tiếp tục làm đầu mối, cùng với BIDV, Agribank và VPBank khẩn trương phối hợp với các nhà đầu tư, Doanh nghiệp Dự án và các bên có liên quan thẩm định lại, hoàn thành báo cáo thẩm định chung, trên cơ sở đó các NHTM hợp vốn tiến hành các thủ tục phê duyệt cấp tín dụng theo quy định.
Tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỷ đồng, trong đó: VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, AgriBank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.
Hồ sơ điều chỉnh dự án đến nay đã hoàn thành, được Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Tiền Giang thẩm định và phê duyệt. Dự án cũng đã được Kiểm toán Nhà nước vào làm việc, soát xét 2 lần. Doanh nghiệp Dự án cũng đã được kiện toàn cổ đông và bộ máy điều hành dự án.
Vừa qua, ngày 3/12/2019, dự án đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư.
VietinBank đầu mối thu xếp gần 7.000 tỷ đồng cho dự án giao thông Trung Lương - Mỹ Thuận |
Thúc đẩy nhanh tiến độ dự án
Theo ông Trần Minh Bình - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc VietinBank thì việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án giao thông quan trọng như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Hiểu rõ được tầm quan trọng của tuyến cao tốc huyết mạch này với sự phát triển của đất nước, VietinBank đã tiếp cận, đánh giá dự án ngay từ rất sớm và chủ động đóng vai trò ngân hàng đầu mối mời các tổ chức tín dụng là BIDV, Agribank và VPBank cùng tham gia thẩm định, cấp vốn tín dụng trên cơ sở các quy định hiện hành, để ký Hợp đồng tín dụng cho vay Hợp vốn đối với dự án từ năm 2018.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quyết tâm đưa Dự án thông tuyến trong năm 2020 và đã có Thông báo kết luận số 99/TB-VPCP. Theo đó, Dự án đã có những thay đổi căn bản, có một số giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trước đây như: Chuyển Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang; cơ cấu lại cổ đông, nhà đầu tư dự án; nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành… nên các ngân hàng tài trợ phải thẩm định lại dự án. Do đó Hợp đồng tín dụng đã ký giữa Doanh nghiệp Dự án và 4 Ngân hàng từ năm 2018 cần được thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Bình cho biết thêm, trước những thay đổi căn bản của dự án trong thời gian qua, ý kiến chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các Ngân hàng đồng tài trợ đã bám sát dự án, đóng góp ý kiến và đồng hành cùng Doanh nghiệp Dự án và UBND tỉnh Tiền Giang trong quá trình xây dựng lại phương án tài chính.
“Các Ngân hàng đồng tài trợ cũng thường xuyên làm việc và thảo luận với Doanh nghiệp Dự án cùng các bên có liên quan để hoàn thành Báo cáo thẩm định chung theo tinh thần là vừa phù hợp với các nội dung của dự án đã được phê duyệt lại, đảm bảo cung ứng vốn vay kịp với tiến độ thi công khẩn trương, vừa phù hợp với các quy định, quy trình cấp tín dụng hiện hành và các quy định của NHNN và pháp luật có liên quan” - ông Bình cho biết.
Quá trình triển khai dự án cao tốc trọng điểm này đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh Tiền Giang dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ tích cực.
“Chúng tôi hi vọng rằng, dự án sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; đồng thời đề nghị Doanh nghiệp Dự án tổ chức công trường, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công theo đúng phương án thi công đã được duyệt, phối hợp chặt chẽ với 4 ngân hàng cho vay hợp vốn trong quá trình giải ngân theo quy định vào các hạng mục công trình, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - ông Trần Minh Bình cho biết.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết cả nước có khoảng 21.000km đường quốc lộ, trong đó có 1.000km cao tốc, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh/thành mới chỉ có khoảng 50km (TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương). Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận rà soát lại tổng thể dự án, chỉ đạo quyết liệt thực hiện thi công, đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: “Lễ ký kết Hợp đồng tín dụng và các văn kiện tín dụng cho dự án là dấu mốc quan trọng, nhằm hiện thực hóa nguồn vốn vay trong tổng vốn đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng 51km đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là minh chứng sống động cho sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên, nỗ lực tối đa hướng đến thành công của dự án, quyết tâm thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đáp ứng kỳ vọng của 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long”.