Dự án cao tốc Bắc - Nam: Kiểm toán sớm để kịp thời kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc

Một đoạn thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN)
Một đoạn thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với tính chất quan trọng đặc biệt, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Các Bộ, ngành, trong đó có Kiểm toán Nhà nước, cũng đã vào cuộc sớm để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án.

Hiệu quả từ cơ chế đặc thù

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được ví như trục “xương sống” giao thông quốc gia. Với tầm quan trọng như vậy nên để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, Quốc hội (QH) đã ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44 với các cơ chế đặc thù như chỉ định thầu; thực hiện song song, đồng thời các bước; giao mỏ cho nhà thầu khai thác mà không phải thực hiện thủ tục cấp phép…

Tại Tọa đàm “Vượt nắng, thắng mưa” đưa cao tốc Bắc - Nam về đích” do Báo Kiểm toán tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, các cơ chế đặc thù đã góp phần tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho triển khai dự án. Trong đó, cơ chế về mỏ vật liệu đã giúp các nhà thầu rút ngắn được thủ tục cấp mỏ, chủ động được nguồn vật liệu, không bị tình trạng khan hiếm vật liệu, đầu cơ, nâng giá, ép giá, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, góp phần chủ động và đẩy nhanh được tiến độ. “Có những dự án, chỉ sau 5 tháng từ khi khởi công, các nhà thầu đã được cấp mỏ vật liệu”, ông Minh cho biết.

Các Bộ, ngành cũng đã vào cuộc tích cực để tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện dự án. Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Vũ Duy Bắc - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV cho biết, xác định vai trò quan trọng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, để kịp thời cung cấp thông tin cho QH, Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý, ngay từ năm 2023, KTNN đã đưa vào kế hoạch kiểm toán trung hạn, Kế hoạch kiểm toán năm 2024 nội dung kiểm toán đối với các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Tập trung kiểm toán đánh giá tuân thủ pháp luật

Ông Vũ Duy Bắc - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV. (Ảnh: Báo Kiểm toán)

Ông Vũ Duy Bắc - Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV. (Ảnh: Báo Kiểm toán)

Theo kế hoạch của KTNN, năm 2024, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán 11/12 dự án thành phần, năm 2025 sẽ kiểm toán dự án thành phần còn lại. Đồng thời, KTNN cũng tiếp tục xác định những trọng yếu kiểm toán. Trong đó, song song với kiểm toán xác nhận chi phí đầu tư; đánh giá tuân thủ pháp luật, KTNN sẽ tập trung đánh giá về thực hiện cơ chế đặc thù của dự án đã được QH, Chính phủ chấp thuận; những thuận lợi, vướng mắc trong áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù; đánh giá chi tiết tiến độ thực hiện các gói thầu, dự án gắn với những nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng đến tiến độ dự án… Từ đó, có những khuyến nghị phù hợp, kịp thời với QH, với Chính phủ, với các Bộ, địa phương có liên quan cũng như các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông Vũ Duy Bắc cũng cho hay, qua kết quả kiểm toán một số thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như một số dự án cao tốc khác cho thấy, cơ chế đặc thù đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện các dự án. Tuy nhiên, việc triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung đặt ra trong Nghị quyết của QH, Chính phủ còn có những khó khăn và bất cập, nổi cộm là việc xác định vật liệu đắp, giá vật liệu tại mỏ. “Đến nay, các địa phương chưa xác định được chi phí liên quan đến cấp mỏ cũng như chi phí liên quan đến việc khai thác vật liệu theo cơ chế đặc thù, dẫn đến các ban quản lý dự án chỉ tạm thanh toán theo giá hợp đồng cho nhà thầu và cũng chưa đủ cơ sở để KTNN xác nhận chi phí đầu tư đó”, ông Bắc dẫn chứng.

Từ đó, ông Vũ Duy Bắc mong muốn Bộ GTVT, các Ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN để triển khai dự án tốt hơn, tuân thủ các quy định pháp luật; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nói riêng và triển khai các dự án nói chung, bảo đảm nguồn lực đầu tư được sử dụng hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh cũng mong muốn, qua quá trình kiểm toán, KTNN ngoài việc chỉ ra những sai sót, bất cập trong quá trình triển khai dự án để các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời còn đồng hành cùng Bộ GTVT kiến nghị với QH, Chính phủ có chỉ đạo tháo gỡ sớm nhất các khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra qua kiểm toán, sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để thuận lợi hơn trong việc triển khai các dự án sau này.

KTNN vừa công bố kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Từ những tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 1,845 tỷ đồng; xử lý khác 45,154 tỷ đồng. KTNN cũng đã kiến nghị kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xem xét xử lý theo quy định đối với một số tồn tại trong việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân chưa đủ năng lực theo quy định…

Đọc thêm

Petrovietnam có tân Phó Tổng Giám đốc

Petrovietnam có tân Phó Tổng Giám đốc
(PLVN) - Ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Cách nào giúp doanh nghiệp ứng phó với thuế carbon?

Sản xuất thép hiện đang đứng trước áp lực lớn của CBAM. (Ảnh: VSA).
(PLVN) - Theo lộ trình của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), từ ngày 1/1/2026, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ áp thuế carbon đối với 6 mặt hàng khi xuất khẩu vào EU. Cần phải làm gì để giúp doanh nghiệp (DN) Việt thích ứng với sự điều chỉnh này?

Khai thác nguồn thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, để phấn đấu vượt 10% dự toán năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Thuế sẽ tập trung khai thác nguồn thu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), nhất là khối DN nhà nước và DN FDI…

Thúc đẩy phát triển logistics xanh

Logistics Việt Nam đứng trước áp lực chuyển đổi xanh. (Ảnh: TCCT).
(PLVN) - Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm phần lớn ở các thị trường khó tính. Đòi hỏi của các thị trường này ngày càng cao và hiện các khách hàng này đang yêu cầu xanh cả quy trình sản xuất. Điều này đang đặt logistics trước khó khăn lớn.

Chủ tịch VNR: 'Tôi quan tâm cảm xúc của khách đi tàu'

Lãnh đạo VNR và đại diện UBND tỉnh Thừa Huế, TP.Đà Nẵng khai trương đoàn tàu du lịch.
(PLVN) - Khoảng một năm trở lại đây, nói tới đường sắt là không chỉ nói tới đầu máy toa xe, hay những đoàn tàu đưa rước khách. Bởi giờ đây, lên tàu hay xuống ga, đôi mắt, đôi tai của khách đi tàu còn nhiều thứ để nghe và cảm nhận…

Phải có cơ chế chính sách hợp lý cho các khoản nợ của khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở Quảng Ninh

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đi thực tế tại Quảng Ninh
(PLVN) -  Qua nắm bắt nhanh của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn Quảng Ninh, đến hết ngày 10/9/2024 có tổng số 10.811 khách hàng, với tổng dư nợ 7.437 tỷ đồng; Hải Phòng có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương có biện pháp hỗ trợ khách hàng.