Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Bình, Quảng Trị: Báo động tình trạng xây nhà, trồng cây “chờ đền bù”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kể từ khi đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị được cắm mốc xác định hướng tuyến, nhiều công trình nhà cửa đã ồ ạt được người dân đua nhau xây lên nhằm chờ được đền bù nhiều hơn từ dự án này.
Công trình trái phép mọc lên chờ đền bù dự án cao tốc Bắc - Nam tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
Công trình trái phép mọc lên chờ đền bù dự án cao tốc Bắc - Nam tại xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

Đua nhau “thần tốc” xây các công trình

Thời gian gần đây, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh; là những vị trí dự kiến sẽ thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông tỉnh Quảng Trị; đã xuất hiện các công trình nhà cửa, vườn cây.

Tại các xã Vĩnh Khê, thị trấn Bến Quan và xã Vĩnh Hà ở huyện Vĩnh Linh xuất hiện nhiều căn nhà mới xây dựng không móng, không sắt thép. Trên đất lâm nghiệp đang trồng cây tràm, cây cao su cũng mọc lên không ít căn nhà trái phép. Ngoài các công trình như nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, người dân còn trồng một số loại cây ở các vị trí mà cơ quan chức năng vừa cắm tạm các cột mốc đỏ.

Nguyên nhân được cho là nhiều người dân có đất rừng đang nằm trong quy hoạch dự án cao tốc Bắc - Nam (đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ) trông chờ sẽ được nhận nhiều tiền đền bù hơn khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) để bàn giao triển khai dự án.

Một người dân tại xã Vĩnh Hà cho hay, phần đất và cây rừng nếu bị thu hồi để xây dựng đường cao tốc sẽ được đền bù theo khung quy định khá thấp. Để “đón đầu đền bù”, một số hộ tranh thủ trồng thêm các loại cây, xây các công trình tạm bợ để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. “Nếu xây dựng chờ đền bù thì chỉ cần xây nhanh, không cần chất lượng. Vì thể chỉ cần xây gạch lên, không cần móng trụ gì cả. Nếu đền bù hay không thì khi tháo dỡ vẫn có thể sử dụng được số gạch đã xây”, người này cho biết.

Tại xã Phú Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo ghi nhận của PV, một số hộ ở khu vực này cũng đồng loạt có hành động xây dựng các công trình nhà xưởng sản xuất, chuồng trại chăn nuôi, quán xá… trên đất vườn, đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất, sau khi có thông tin đường cao tốc Bắc - Nam đi qua. Hầu hết các công trình đều có điểm chung là được xây dựng trước và ngay sau khi các cơ quan chức năng cắm mốc GPMB thực hiện dự án.

Mới đây tại huyện Quảng Trạch, trên tuyến đường tránh QL1A qua Đèo Con, hàng loạt công trình lớn, nhỏ, đủ các kiểu nối đuôi nhau hình thành. Đặc biệt là xã Quảng Hợp, một số người lén lút xây dựng các công trình nhà, xưởng, tường rào, chuồng trại... đủ các kiểu để “đón đầu” chờ đền bù, sau khi có thông tin “tim đường” cao tốc Bắc - Nam đi trên tuyến đường này.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lí đường bộ II.4 xác nhận: Riêng tại xã Quảng Hợp, từ ngày 1/3, đơn vị bảo trì đường bộ bắt đầu lập biên bản những trường hợp vi phạm đầu tiên, nhưng 1 tuần sau đã lập biên bản tới 21 trường hợp và đến thời điểm cuối tháng 3/2022 đã lên tới 37 trường hợp. “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo tình hình tới UBND huyện Quảng Trạch về các sự việc nói trên”, ông Thủy nói.

Các địa phương ra quân ngăn chặn

Tại Quảng Trị, mới đây UBND tỉnh này đã có văn bản chỉ đạo các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ tăng cường công tác kiểm tra trật tự xây dựng trong phạm vi thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh; tuyên truyền để người dân chấp hành, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tỉnh yêu cầu các địa phương ngăn chặn, không để người dân xây dựng các công trình trái phép, gây phức tạp tình hình và thêm thiệt thòi cho người dân, vì khâu đền bù GPMB địa phương sẽ làm rất chặt chẽ.

Theo UBND huyện Vĩnh Linh, dự án đi qua huyện có chiều dài 14,4km. Huyện này xác nhận, thời gian qua, trong lúc đơn vị tư vấn đang khảo sát thiết kế, nhiều hộ dân và tổ chức có đất nằm trong phạm vi dự án đã xây dựng, cơi nới công trình trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích với ý định được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB để triển khai dự án.

Sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng huyện đã lập biên bản vi phạm liên quan đến hành vi xây dựng trái phép. Cụ thể, tại xã Vĩnh Hà, xã đã lập biên bản vi phạm với 12 hộ dân cơi nới, mở rộng diện tích chuồng trại trên diện tích đất ở, 4 hộ xây dựng chuồng trại trên đất nông nghiệp, 7 hộ trồng cây trên phạm vi khảo sát của dự án. Tại xã Vĩnh Sơn đã lập biên bản vi phạm với 4 hộ gia đình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp;

Tại xã Vĩnh Khê, UBND xã lập biên bản vi phạm với 2 hộ gia đình vì xây dựng chuồng trại trái phép trên đất trồng cây cao su và 9 hộ cơi nới công trình trên diện tích đất ở chưa xin phép. Thị trấn Bến Quan đã lập biên bản vi phạm với 2 hộ xây chuồng trại trái phép trên đất trồng cây cao su, 11 hộ gia đình cơi nới công trình trên diện tích đất nhà ở chưa xin phép, 5 hộ có hành vi trồng thêm cây trong phạm vi khảo sát của dự án.

Khó xử lý?

Có điều, việc xử lý trên thực địa không đơn giản như kỳ vọng. Tính đến cuối tháng 3/2022, chỉ riêng trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã có 5 xã phát sinh 69 trường hợp vi phạm về xây dựng các công trình trái phép trên tổng số 8 xã có dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua. Riêng xã Quảng Hợp đã có 37 trường hợp vi phạm. Có trường hợp xây bờ tường trên hành lang an toàn giao thông ở thôn Hợp Trung, đã 2 lần bị lập biên bản nhưng vẫn tái phạm.

Thực tế còn cho thấy, nhiều người đã cố tình xây dựng lén lút, vào những thời điểm như buổi đêm, để không bị phát hiện ngăn chặn. Khi bị phát hiện, có đoàn đến kiểm tra thì tránh né, không hợp tác. Có trường hợp công trình xây ở địa phương này nhưng người xây là ở địa bàn khác đến, nên cơ quan chức năng rất khó xác định đúng đối tượng để xử lý…

Ông Bùi Xuân Chiến, cán bộ địa chính xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) xác nhận: Dù đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhưng thực tế địa phương rất khó trong công tác xử lý. “Hiện xã chỉ biết lập biên bản bước đầu và xin ý kiến của các phòng ban xem xét xử lý tiếp theo. Chúng tôi đang khẩn trương lên kế hoạch tổ chức cuộc họp với các phòng, ban của huyện để bàn bạc thống nhất hướng xử lý”, ông Chiến nói.

Trong khi chờ các địa phương có biện pháp hiệu quả xử lý vấn đề, ông Phạm Văn Đua, đại diện BQL dự án 6 Bộ GTVT tại Quảng Bình cho biết: Dự kiến trước ngày 10/4, sẽ bàn giao cho huyện Quảng Trạch mốc GPMB để thực hiện công tác kiểm đo, kiểm đếm. “Nhưng trước tình trạng người dân xây dựng ồ ạt như hiện nay, chúng tôi đang cố phối hợp để xử lý nhanh nhất các thủ tục, làm hết sức mình để làm sao cắm cọc GPMB ngoài thực địa sớm nhất có thể”, ông Đua nói.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc BQLDA đường Hồ Chí Minh thì xác nhận: Tình hình người dân xây dựng nhà cửa, trồng cây chờ đền bù khi có dự án là đáng báo động. Tuy nhiên, theo quy định, khi dự án bàn giao cho địa phương GPMB, thì địa phương sẽ bảo quản mặt bằng và triển khai đo đạc, kiểm đếm để đền bù các hạng mục trong phạm vi GPMB để bàn giao cho dự án. “Chúng tôi cũng chỉ có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra và báo cáo lại chính quyền địa phương có biện pháp xử lý mà thôi”, ông Quý nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

“Đối với việc người dân xây nhà tạm, tôi cho rằng đây là sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương hoặc có sự bao che. Chúng ta đã có quy định rất rõ những nơi nào đã quy hoạch được hay không được xây dựng công trình. Nếu chính quyền bỏ lơ không lập biên bản xử lý ngay từ đầu thì phải có trách nhiệm đền bù. Cần xem xét trách nhiệm của thôn, ấp đến xã, huyện nếu để xảy ra tình trạng người dân xây nhà để đón đền bù”.

Ảnh minh hoạ

Luật Đất đai (sửa đổi): Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh hằng năm

(PLVN) - Theo Luật đất đai (sửa đổi), bảng giá đất lần đầu sẽ được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất...
Khu công nghiệp Hòa Phú thu hút nhiều nhà đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Tuấn)

Giải phóng mặt bằng thực hiện khu công nghiệp Hòa Phú (Bắc Giang): Chủ tịch UBND chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch

(PLVN) - Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mới đây đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm trong quý 1/2024 hoàn thành GPMB toàn bộ diện tích Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú, KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 (GĐ1).
Luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn - Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023: Siết tình trạng phân lô bán nền, ngăn chặn “dự án ma”, bảo đảm quyền lợi cho người mua, thuê mua bất động sản

(PLVN) - Luật Kinh doanh bất động sản 2023 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư, đặc biệt là người mua, thuê mua bất động sản.
Những điểm mới nhân văn, có lợi cho người dân của Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực

Những điểm mới nhân văn, có lợi cho người dân của Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực

(PLVN) - Luật Nhà ở 2023 được thông qua lần này được dư luận đánh giá là có nhiều nội dung thay đổi có lợi cho người dân. Vậy cụ thể đó là những nội dung nổi bật nào? Phóng viên Báo PLVN có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Thị Thu Hường - Giám đốc điều hành Công ty Luật E&D, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.