Nguyên mẫu của con tàu đã được xây dựng và đã được đưa vào thử nghiệm ở Hồ Patricia tại Canada trong bốn tháng. Hơn nửa thế kỷ qua đi, phần băng của nguyên mẫu đã tan chảy từ lâu, nhưng tàn tích của dự án có tên Habbakuk từng được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện Thế chiến II này vẫn còn đang nằm lại dưới đáy hồ.
Vật liệu được kỳ vọng “chiến lược”
Một ngày giữa năm 1942, tại một căn phòng thuộc văn phòng chiến tranh Anh, một nhà khoa học có tên Geoffrey Pyke đang cố thuyết phục mọi người về cách thức có thể bảo vệ các con tàu của quân đồng minh tại khu vực Thung lũng tàu U-boat, một vùng biển rộng lớn ở Đại Tây Dương, nơi các tàu ngầm của Đức Quốc xã chiếm ưu thế.
Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của quân Đồng minh lại không thể triển khai các vùng biển xa như vậy nếu không có tàu sân bay. Mỹ là nước duy nhất có tàu sân bay nhưng không thể triển khai vì vừa phải hứng chịu tổn thất nặng nề sau trận Trân Châu cảng.
Năm 1942 cũng là thời điểm mà các vật liệu xây dựng như thép đang thiếu hụt rất nhiều, ảnh hưởng đáng kể tới các kế hoạch đóng tàu của các nước đồng minh.
Trong bối cảnh như vậy, Pyke nảy ra ý tưởng sử dụng những tảng băng từ Bắc Cực và biến chúng trở thành bãi đáp cho các máy bay ở trên biển. Ý tưởng của Pyke xuất phát từ việc ở thời điểm lúc bấy giờ nhiều người cho rằng băng là loại vật liệu gần như không thể phá hủy.
Tổ chức tuần tra băng quốc tế vốn được thành lập để phá hủy những tảng băng sau vụ việc một tảng băng trôi đã đánh chìm tàu Titanic vào năm 1912 cho rằng để có thể phá hủy những tảng băng không thể dễ dàng, thậm chí bằng cả ngư lôi và các loại bom gây tan chảy.
Chính vì vậy, Pyke nghĩ rằng băng sẽ là một loại vật liệu chiến lược mới có thể giúp anh và quân đồng minh dành được chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Thật ra, Pyke không phải là người đầu tiên nghĩ đến việc chế tạo tàu sân bay từ băng mà hơn 10 năm trước đó, một nhà khoa học người Đức tên Gerke von Waldenburg cũng đã đề xuất ý tưởng. Song, tưởng này đã bị giới chức Đức bác bỏ.
Ngược lại, trong trường hợp của Pyke, dù là người không có nhiều bằng cấp nhưng ông ta lại rất được giới chức Anh tin tưởng. Chính vì vậy nên ý tưởng của ông ta được ủng hộ. Ông ta đặt tên cho dự án chế tạo tàu sân bay đầy tham vọng có tên HMS Habbakuk, viết lái từ tên của nhà tiên tri Habakkuk trong kinh Cựu Ước.
Tàu chiến lớn nhất
Ý tưởng là vậy nhưng việc chế tạo một con tàu bằng băng khi bắt tay vào triển khai đã gặp vô vàn khó khăn. Vấn đề đầu tiên được phát hiện là để một máy bay có thể cất và hạ cánh được thì phần “đường băng” về mặt lý thuyết phải nhô cao hơn so với mực nước biển 15m.
Trong khi đó, những tảng băng thường chìm đến 90%. Vì vậy, để một tảng băng có thể tiếp nhận các máy bay thì nó cần phải có phần băng chìm dày đến khoảng 150m. Nhưng nếu với trọng lượng như vậy, “tàu” sẽ gần như không thể di chuyển được.
Thêm vào đó, khi phần nổi của tảng băng bị tan chảy, nó sẽ quay tròn và đây thực sự là một vấn đề nếu một máy bay đang được tiếp nhiên liệu trên tảng băng đó. Cuối cùng, phần nhà chứa máy bay cần phải được làm từ vật liệu đủ cứng để các máy bay có thể cất và hạ cánh.
Mô phỏng tàu sân bay bằng băng |
Vì vậy, nhóm thực hiện dự án sau khi nghiên cứu kỹ đã quyết định sẽ lấy một khối băng để làm một con tàu có kết cấu của một con tàu thông thường. Để làm được điều đó, họ dự định giữ đông tảng băng bằng một hệ thống làm lạnh đặc biệt. Nhóm nghiên cứu cũng đã tạo ra một vật liệu được làm bằng bột gỗ và nước đá có đặt tên là “pykrete” đủ cứng để làm phần nhà chứa máy bay.
Vẫn theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, tàu sân bay băng của họ khi hoàn thiện sẽ là tàu chiến lớn nhất lịch sử với chiều dài hơn 600m, rộng gần 70m, lớn hơn gấp hai lần tàu Titanic. Tàu có trọng lượng tới hai triệu tấn, đủ chỗ chứa 300 máy bay, có thể di chuyển trên biển với tốc độ 12km/h và chịu được những cột sóng cao 15m.
Theo thiết kế, siêu chiến hạm này cũng sẽ được trang bị 40 pháo nòng kép và các pháo phòng không cũng như mang được 200 máy bay chiến đấu Spitfire hoặc 100 máy bay ném bom Mosquito. Nhóm thực hiện dự án cho rằng con tàu khi trở thành hiện thực sẽ là một vũ khí bí mật giúp Anh nói riêng và lực lượng đồng minh nói chung chống lại tàu ngầm U-boat của Đức.
Ngày 4/12/1942, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã phê chuẩn dự án bằng một văn bản được xếp vào dạng Tuyệt mật, đồng thời yêu cầu nhóm nghiên cứu thực hiện một nguyên mẫu của con tàu.
Dự án thí điểm đóng nguyên mẫu của tàu HMS Habbakuk được giao cho Hội đồng nghiên cứu quốc gia của Anh thực hiện. Người phụ trách hoạt động này C.J. MacKenzie. Vì Anh không có băng nên nước này đã nhờ đến sự hỗ trợ của Canada.
Hồ Patricia ở Công viên quốc gia Jasper tại Alberta của Canada được chọn làm địa điểm thử nguyên mẫu vì ở đây có sẵn nguồn lao động tự do dồi dào. Đầu năm 1943, nguyên mẫu của con tàu dài 18m, rộng 9m và nặng 1.000 tấn được bắt tay vào thực hiện.
Theo ước tính ban đầu, con tàu này sẽ cần sử dụng tổng cộng 300.000 tấn bột gỗ, 25.000 tấn sợi bột giấy cách nhiệt, 35.000 tấn gỗ và 10.000 tấn thép dùng làm khung đỡ các động cơ. Chi phí để đóng tàu được tính toán rơi vào khoảng 700.000 bảng Anh, tiết kiệm rất nhiều so với chi phí 25 triệu bảng Anh cần để đóng tàu sân bay bằng kim loại.
Số nhân lực mà nhóm nghiên cứu huy động cũng chỉ gồm 80 người thay vì 7.000 người cần để đóng tàu sân bay thông thường. “Nó có hình dáng như một chiếc hộp đựng giày lớn, với khối băng khổng lồ ở giữa và các đường ống làm lạnh chạy xung quanh”, một nhà nghiên cứu cho hay. Nhóm nghiên cứu cũng đã làm một chiếc mái che nguyên bản để bảo vệ con tàu đồng thời ngụy trang nó như một nhà thuyền.
Vì sao thất bại?
Con tàu được xây dựng theo đúng ý tưởng đề ra nhưng không phải tất cả mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Một số đường ống làm lạnh đã bị hư hại, khiến không khí đã theo đường ống đi vào cấu trúc con tàu.
Ngoài ra, việc sản xuất cũng cần một khối lượng lớn bột gỗ để làm ra vật liệu “pykrete”. Phần nhà máy làm đông đặc nguyên liệu để chế tạo con tàu nếu tính toán kỹ cũng không hề ít hơn so với số nguyên liệu cần thiết để đóng tàu sân bay bằng các vật liệu sắt thép thông thường.
Từ giữa năm 1943 dự án đã bắt đầu “chìm xuồng”. Việc dự án này chết yểu là nguyên nhân của ba yếu tố. Thứ nhất là Iceland có thể trở thành căn cứ vĩnh viễn của lực lượng đồng minh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương nên những những tàu sân bay nổi là không quá cần thiết.
Thứ hai là hàng loạt những máy bay chiến đấu mới có thể tuần tra trên những chặng đường dài hơn đã được trình làng ở giai đoạn này. Cuối cùng là sự phát triển của công nghệ radar đã giúp quân đồng minh có thể phát hiện được những tàu ngầm U-boat của Đức một cách hiệu quả.
Đó cũng là thời điểm mà Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu diễn biến theo hướng nghiêng về phía lực lượng đồng minh. Chính vì vậy nên đến tháng 6/1943, toàn bộ việc thử nghiệm ở Canada đã được dừng lại. Trong cuộc họp của Hội đồng quản trị Dự án Habbakuk diễn ra vào cuối tháng 12/1943, hội đồng đã quyết định chấm dứt dự án đầy tham vọng nói trên.
Sau khi dự án bị hủy bỏ, dàn máy làm lạnh được người Anh mang đi còn nguyên mẫu của con tàu đã bị bỏ lại, dần chìm xuống đáy hồ Patricia. Đến nay mô hình này vẫn còn đang ở dưới đáy hồ như một bằng chứng về một dự án chế tạo vũ khí có ý tưởng độc đáo và được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng phi thực tế được một số nước thực hiện trong trong thời kì chiến tranh.