Theo quan niệm dân gian, đây còn là dịp xá tội vong nhân, vì thế nhiều người sắm sửa lễ vật để cúng chúng sinh, từ tiền vàng, quần áo, đến ô tô, xe máy, nhà lầu...
Tuy lễ Vu lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng giáo lý nhà Phật không khuyên con người đốt nhiều vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Tục đốt, rải vàng mã cũng không phải của người Việt Nam, mà có nguồn gốc từ Trung Hoa. Kinh dịch Nho giáo cho biết đời nhà Chu (1.122 trước dương lịch) có một quy định khi họ chết đi, tất cả vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo.
Về sau tục lệ này được bãi bỏ. Đến khi có giấy, người Trung Hoa đã chế tạo vàng bạc, áo quần,… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt cho người đã khuất.
Ban đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Tuy nhiên, khi đến triều vua nhà Đường (762) là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo, có một vị sư tên là Đạo Tăng nhân ngày Rằm tháng Bảy (lễ Vu lan) muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo bèn lợi dụng tục đốt vàng mã, tâu với vua rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, vua Diêm Vương mở cửa xét tội, phúc nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt cho thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân”. Ngay lập tức, vì muốn được lòng dân nên Vua đã thuận ý nghe theo.
Những năm gần đây, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều hành động quyết liệt nhằm chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh Phật giáo, trong đó có việc ban hành văn bản chỉ đạo việc không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội.
Đầu năm 2018, Hội đồng trị sự GHPGVN có Công văn gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lưu ý “nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo...".
Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, nếu lạm dụng việc đốt vàng mã, phần tiêu cực sẽ lấn át cả phần tích cực. Khi sử dụng vàng mã thiếu hiểu biết, đốt vàng mã quá nhiều mà không nhận thức được đó chỉ là hành động mang tính tượng trưng thì ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, gây lãng phí của cải xã hội.