Đủ kiểu nhậu Sài Gòn
Một buổi tối đi nhậu, anh Ngô Đức Nam 23 tuổi, nhân viên văn phòng một công ty vận tải tại quận 1, TP HCM cùng bạn bè đã làm "lai rai" đến... ba "tăng". "Tăng", tức cách nói của giới "ăn nhậu" miền Nam nói đến một đợt nhậu tại một địa điểm.
Ban đầu, anh Nam lai rai cùng bốn người bạn tại một quán ốc ở bờ kè Trường Sa. Họ vừa uống, ăn mồi, vừa bốc điện thoại gọi hết cho người này lẫn người khác. Giữa cuộc nhậu, lần lượt có thêm hai người bạn phi xe đến nhập hội, họ xong việc mới tranh thủ ra được. Và theo nguyên tắc trên bàn nhậu "vào ba ra bảy", những người mới đến phải uống liền tù tì ba ly bia đầy để "tạ lỗi" với những người đến trước.
Tàn cuộc thứ nhất, họ không vội về. Khi bắt đầu ngà ngà, nhóm bạn trẻ này lại đến một nơi có thể uống một cách phấn khích hơn. Họ chọn một beer club trên đường Phạm Văn Đồng, Gò Vấp, nơi uống bia theo tháp, âm nhạc giật ầm ầm bởi các DJ không chuyên và mức giá vừa phải dành cho người mới ra trường.
Ở đó, họ không thể nói chuyện như bình thường bởi nhạc quá ồn, mỗi lần muốn nói phải hét vào tai nhau. Nhưng họ được thỏa sự phấn khích của cơn say chếnh choáng, vừa uống vừa nhún nhảy theo điệu nhạc, cũng có thể làm quen với những cô gái, chàng trai trẻ bàn cạnh bên.
Kết thúc buổi tối "ăn nhậu", nhóm bạn trẻ của Nam quyết định chọn một quán karaoke bình dân ở Phan Văn Trị, Gò Vấp để "xả men". Gọi là "xả men", tức đi hát cho hết say, nhưng vào phòng karaoke, cả nhóm lại kêu một thùng ra vừa uống vừa hát cho "có hứng".
Lúc này, 11h đêm, đã khá say, người nào hát cứ hát, người không hát thì uống hoặc lăn ra ngủ. Kết thúc đêm nhậu, nhóm bạn trẻ 6 người uống hết tổng cộng 30 chai và một tháp bia có dung lượng 15 chai bia.
Lộ trình "ăn nhậu" của Nam và nhóm bạn có lẽ rất rất quen thuộc với nhiều thanh niên sống ở Sài Gòn. Một đêm, những nhóm bạn trẻ họp mặt, làm đến "tăng 2", "tăng 3" là chuyện quá bình thường với những bạn trẻ ham vui và "sung sức".
Khoảng chục năm về trước, loại hình ăn nhậu chưa phát triển, người trẻ chưa có quá nhiều lựa chọn. Giờ đây, họ có quán nhậu bình dân chiếm lĩnh thị trường ở hầu hết mọi con đường thành phố, có nhà hàng hạng sang, có quán bar. Pub và beer club là những hình thức ra đời sau này, nhằm phục vụ cho giới trẻ muốn vừa ăn nhậu vừa "quẩy" cùng nhạc, thỏa sự phấn khích mà giá cả bình dân hơn, không phải "đốt tiền" như trong những quán bar.
Giờ đây, quán nhậu hè phố, beer, pub... có mặt ở khắp các con đường, ngõ phố Sài Gòn. Sài Gòn giờ đây cũng không chỉ có một "phố ăn nhậu" mà rất nhiều, từ phố nhậu thâu đêm Bùi Viện, phố ăn nhậu bình dân tự phát hai bên bờ kè Hoàng Sa, Trường Sa, phố ăn nhậu mới với các quán nhậu chi chít dọc trục Phạm Văn Đồng, chưa kể đến những khu ăn nhậu bình dân đông đúc gần các cụm trường đại học chuyên phục vụ khách nhậu sinh viên...
Cạnh việc các quán nhậu đủ loại dành cho giới trẻ mọc lên như nấm sau mưa, giới kinh doanh ăn nhậu Sài Gòn còn liên tục "đẻ" ra các kiểu ăn nhậu mới để phục vụ nhu cầu của khách trẻ: từ bia uống dạng tháp cho đến bia uống vại, và mới đây nhất, bia úp ngược uống kèm nước trái cây (3 trong 1) đang rất được những người trẻ mê "check in" ưa chuộng.
Mồi câu của người kinh doanh
Không thể phủ nhận, kinh doanh ăn nhậu là một loại hình kinh doanh dễ kiếm lợi, thậm chí lợi nhuận cao. Quán bia nào đánh đúng được tâm lý giới trẻ, được ưa chuộng là khách đông ngùn ngụt, lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, con số đầu tư, chi phí mặt bằng và nhiều chi phí khác khiến áp lực doanh số là không nhỏ.
Vì thế, các chủ quán thường có rất nhiều "chiêu" để dụ khách đến uống bia, rượu và uống càng nhiều càng tốt. Ở các quán bar, hiện nay thường có một đội ngũ gọi là đội "booking", với nhiệm vụ duy nhất là bằng mọi cách kêu gọi, rủ rê, chiêu dụ khách đến nhậu.
Đội ngũ này thường ăn phần trăm trên doanh số khách mà họ giới thiệu. Cạnh đội booking là đội PG, là những chàng trai, cô gái xinh đẹp chuyên "tiếp khách" tại các quán bar, pub... với nhiệm vụ đon đả, vui vẻ, khéo léo "dụ" khách tiêu thụ bia, rượu cho thật nhiều.
Cạnh đó, phổ biến tại nhiều quán nhậu bình dân, beer club, karaoke hiện nay là các trò chơi "thi nhậu". Thông thường, một số quán sẽ chuẩn bị những bộ trò chơi đơn giản, có thể là đổ xúc xắc, hoặc quay số, mà phổ biến nhất là trò "Chiếc nón kì diệu".
Đó là một bàn quay mô phỏng bàn quay trong chương trình "Chiếc nón kì diệu" nổi tiếng trên truyền hình một thời. Nhưng thay vào đó, nội dung các ô quay hướng đến việc thưởng, phạt trong ăn nhậu như "Uống 1 ly", "uống gấp đôi", "người bên cạnh uống"...
Các trò mini game trên bàn nhậu có cái lợi là nó đem đến niềm vui, sự hưng phấn, gây cấn cho cuộc ăn nhậu, và lại càng lợi hơn cho các chủ quán khi mà khách ăn nhậu càng thi nhau uống nhiều, đáp ứng trò chơi thì doanh số càng tăng cao.
Còn tác hại đằng sau những cuộc vui "tới bến", những cuộc nhậu quá chén, quá sức, quá túi tiền của giới trẻ như thế nào, thì có lẽ, người trẻ sẽ phải tự mình gánh chịu, khi tàn cuộc.