Những năm gần đây, người dân không còn mặn mà với việc phơi rơm rạ để nhóm bếp khi phần lớn các hộ gia đình đã chuyển sang đun bằng ga, điện. Vì vậy, rơm rạ được thu gom thành từng đống và châm lửa đốt ngay trên cánh đồng. Chỉ cần dạo quanh các cánh đồng lúa huyện Phúc Thọ, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) người đi đường sẽ hít đủ khói từ các đám đốt rơm rạ. Mặc dù, việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng sẽ đỡ vất vả cho người nông dân song tác hại rất lớn tới cộng đồng, đặc biệt là việc gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Rơm rạ được thu gom thành từng đống và lửa đốt ngay trên cánh đồng. |
Theo Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C,H,O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.
Cũng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, làm đất biến chất, chai cứng hơn. Ngoài ra, khói sinh ra từ quá trình đốt ngoài trời còn gây khói mù và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông.
Vào những ngày thời tiết âm u, lượng khói thải ra từ đống rơm, rạ cháy tạo nên một lớp mù dày đặc, thường che khuất tầm nhìn của người đi đường.
Trên hầu khắp các cánh đồng thường xuyên bị bao phủ bởi một màn khói đặc quánh. |
Mặc dù hiện nay chưa có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đốt rơm rạ trên cánh đồng nhưng vẫn có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ”, khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù nếu trường hợp đốt đồng gần sát với mặt đường giao thông, người đốt có đủ năng lực hành vi dân sự, đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được mối nguy hiểm do khói đốt đồng sẽ ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện giao thông mà vẫn thực hiện hành vi này. Nếu do ảnh hưởng khói đốt đồng che khuất tầm nhìn, khiến xảy ra tai nạn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những quy định này vẫn còn xa lạ với người nông dân. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng, thay vì đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, bà con nên thu gom về nhà phơi khô làm nguồn thức ăn sẵn cho trâu, bò. Hoặc sử dụng phương pháp ủ rơm rạ tại ruộng để tận dụng làm nguồn phân bón. Rơm rạ là những phụ phẩm nông nghiệp sau quá trình thu hoạch lúa, nếu biết tận dụng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con./.