Ngành Nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đang được tập trung cơ cấu lại, chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến tư duy kinh tế nông nghiệp. Nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch thương hiệu “Dong Thap” được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết đến.
Hình ảnh “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, “Nông nghiệp Đồng Tháp - Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh” và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm du lịch đặc trưng đã đưa hình ảnh Đồng Tháp đến với cả nước và bạn bè quốc tế.
Ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư có lợi nhất theo quy định pháp luật.
Đồng Tháp cũng nỗ lực xây dựng hình ảnh nông nghiệp xanh, sạch, sản phẩm nông nghiệp an toàn, uy tín; xây dựng nông nghiệp hiện đại, nền kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm sạch, chất lượng, giá trị cao; nông thôn mới văn minh; nông dân chuyên nghiệp, tự lực, hợp tác, có đời sống phát triển; phát triển DN, thúc đẩy khởi nghiệp; xây dựng văn hóa DN, doanh nhân tiêu biểu.
Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố tạo sức bật cho kinh tế, tỉnh triển khai xây dựng các mô hình làng thông minh, TP thông minh, hệ sinh thái, môi trường làm việc thân thiện, đổi mới, sáng tạo.
Tính đến 15/11, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1.686 tỷ đồng.
Trong bối cảnh khó khăn của dịch COVID-19, các đơn vị vẫn duy trì tương tác với DN và nhà đầu tư, xúc tiến triển khai các nội dung biên bản thỏa thuận hợp tác trong nông nghiệp với các Tập đoàn Vina T&T, Novaland, Quế Lâm...
Cùng với đó, giới thiệu tiềm năng đến các nhà đầu tư (Tập đoàn Sao Mai, Cty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Cty CP Tập đoàn Masterise, Cty CP Đầu tư & Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt...), Tổng lãnh sự quán các nước Úc, Nhật Bản, Pháp... để hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh.
Trong năm 2021, Đồng Tháp phối hợp tổ chức Rikolto International tại Việt Nam thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững và bao trùm cho nông hộ nhỏ tại Đồng Tháp giai đoạn 2018 - 2021”; tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp được tập huấn chuyên môn, hỗ trợ dụng cụ bảo hộ lao động, xây dựng các mô hình sản xuất mẫu, thay đổi tập quán canh tác sản xuất theo hướng an toàn (SRP).
Bên cạnh đó, còn có dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Đồng Tháp, từ tháng 5/2019 đến tháng 3/2022” do Tổ chức Seed to Table tài trợ giai đoạn 1 nhằm hỗ trợ, đào tạo kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân. Đồng thời thực hiện dự án do UNIDO tài trợ dưới hình thức phi dự án (không đối ứng) và IFAD đồng tài trợ dưới hình thức dự án (có đối ứng).
Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Có hơn 320 sản phẩm nông, đặc sản của 60 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh được giới thiệu và mua bán trên trang htxdacsandongthap.com và các sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, triển khai chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử cho 21 DN, cơ sở sản xuất mở gian hàng, tham gia bán hàng. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm giải pháp để quảng bá, giới thiệu về đơn vị, sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Còn có các hoạt động như phối hợp Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp, Hội Doanh nhân trẻ và các đơn vị kết nối tiêu thụ nông sản và bán hàng; triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thời gian qua, tỉnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn, công khai, minh mạch việc xử lý hồ sơ cho tổ chức, cá nhân. Từ đó góp phần xây dựng lòng tin cho nhà đầu tư, DN khi thực hiện các thủ tục hành chính.