Phát biểu tại Lễ ra mắt, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết, việc ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp toàn diện mà Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 của Hiến pháp năm 2013.
“Việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của TAND mà là thiết chế tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và rút ngắn thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại TAND” - Phó Chánh án Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Tòa Gia đình và Người chưa thành niên có thẩm quyền tài phán đa lĩnh vực, bao gồm các loại vụ việc liên quan đến trẻ em trong lĩnh vực dân sự, hành chính và hình sự. Với mong muốn Tòa Gia đình và Người chưa thành niên sẽ là thành tố trung tâm của hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, tòa chuyên trách này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa các cơ quan tư pháp và phúc lợi xã hội để hỗ trợ việc phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ liên quan đến bảo vệ trẻ em và nguy cơ vi phạm pháp luật.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các đại biểu tham quan phòng điều tra thân thiện của Công an tỉnh Đồng Tháp |
Các vấn đề về bạo lực đối với trẻ em, bạo lực và tan vỡ gia đình, người chưa thành niên vi phạm pháp luật có mối quan hệ qua lại với nhau, cần phải có những giải pháp liên ngành được điều phối tốt để giải quyết những vấn đề có tính chất phức tạp này. Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án, ngành Tư pháp, cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan kiểm sát trong hoạt động điều tra và truy tố tất cả các trường hợp bạo hành đối với trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật. Việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho tất cả trẻ em xuyên suốt quá trình tố tụng, hình thành một đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp và một loạt các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng là những yếu tố quan trọng.
Sự ra đời của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là một phần của hoạt động đổi mới tư pháp cho trẻ em rộng lớn hơn, với các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật Trẻ em. Những cải cách mới này sẽ cho phép trẻ em, gia đình và các chuyên gia có trình độ chuyên môn tham gia đầy đủ hơn vào quá trình tố tụng thông qua việc áp dụng thủ tục tố tụng thân thiện với trẻ em và nhạy cảm về giới và đội ngũ thẩm phán chuyên trách được đào tạo, những người có khả năng đưa ra những quyết định phù hợp với nhu cầu của cá nhân trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil hoan nghênh việc ra mắt tòa chuyên trách thứ hai trên cả nước dành cho trẻ em. Theo ông Youssouf, Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em và các văn kiện quốc tế khác về quyền con người yêu cầu các quốc gia phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng trẻ em có thể và được trao quyền để tìm kiếm các biện pháp bồi thường trong những tình huống khác nhau khi quyền của các em bị khước từ hay bị vi phạm.
“Việc Việt Nam thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên năm 2014 là một dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện quyền trẻ em Việt Nam. Lễ ra mắt Tòa Gia đình và Người chưa thành niên của Đồng Tháp hôm nay tiếp tục thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em” - ông Youssouf nhấn mạnh.
Trước Lễ ra mắt này, các thẩm phán gia đình và người chưa thành niên tương lai tại Đồng Tháp đã tham dự một khóa tập huấn về quyền trẻ em và tư pháp cho trẻ em do UNICEF hỗ trợ. Khóa tập huấn đã trang bị cho 62 thẩm phán các kiến thức về quyền trẻ em, quá trình phát triển của trẻ em và vị thành niên cùng các kỹ năng cơ bản về điều tra thân thiện với trẻ em và nhạy cảm về giới.