Thông tin tại Hội nghị, đại diện UBND tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, nền kinh tế tỉnh Đồng Tháp có bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 6,44%; quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, xếp vào hàng khá tại khu vực ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 54,5 triệu đồng; thu nhập trung bình đạt 47 triệu đồng. Kết thúc nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Đồng Tháp có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra.
Ngành nông – lâm – thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,57%/năm. Đặc biệt, 19 loại nông sản chủ lực, đặc thù được xác lập quyền nhãn hiệu, trong đó, nổi bật là chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với xoài Cao Lãnh.
Ngành công nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 8,21%/ năm, trong đó, năng lực sản xuất được gia tăng đáng kể từ các dự án lớn được đi vào hoạt động; tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt tỷ trọng cao. Hoạt động thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển theo hướng văn minh, hiện đại với phát triển thế mạnh về các sản phẩm gạo và thủy sản; tốc độ tăng trưởng chung đạt gần 8%/năm.
Đồng Tháp cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội địa phương cho báo chí. |
Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, việc huy động vốn tại chỗ ước tăng bình quân 15,8%/năm, dư nợ cho vay tăng 11,6%/năm; tỷ lệ nợ xấu giảm dưới 2% so với tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của địa phương, trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ.
Môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng được cải thiện, mỗi năm thành lập mới khoảng 520 doanh nghiệp, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp với sự hỗ trợ đến từ nhiều hiệp hội trong toàn tỉnh. Đặc biệt, Đồng Tháp là tỉnh duy nhất có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 12 năm liên tục dẫn đầu cả nước.
Trong giai đoạn mới, nhất là năm 2021 là đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 6 chỉ tiêu về kinh tế, 12 chỉ tiêu về văn hóa – xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 7%.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, khó khăn, thậm chí nhiều thách thức phát sinh ngoài khả năng dự báo, tỉnh Đồng Tháp đã xác định mục tiêu cho giai đoạn 2021 – 2025 cần tập trung việc xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, gắn với yếu tố thị trường, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển làm động lực phát triển bền vững.
Phát triển nền kinh tế nông – công – thương trên cơ sở tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh, từng bước gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm theo hướng toàn cầu hóa; phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của tỉnh. Kết cấu hạ tầng được phát triển đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được nhu cầu đưa kinh tế Đồng Tháp tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực để phục hồi và phát triển nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Tuần lễ văn hóa du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra từ ngày 22/01 đến ngày 27/01/2021. |
Cũng tại buổi họp mặt, tỉnh Đồng Tháp đã thông tin về tuần lễ Văn hóa du lịch Đồng Tháp sẽ được diễn ra tại thành phố Sa Đéc từ ngày 22/01 đến ngày 27/01/2021 (mùng 10 đến 15 tháng Chạp Âm lịch), với chủ đề: “Sa Đéc - Phố và Hoa”.
Theo đó, tuần lễ Văn hóa du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra với 5 nhóm nội dung lớn, gồm: Sa Đéc trên bến dưới thuyền; Sa Đéc gạo trắng, bánh ngon; Sa Đéc xứ sở hoa hồng; Sa Đéc lãng mạn người tình; Sa Đéc xứ sở hạnh phúc.
Tổ chức các hội nghị giới thiệu sản phẩm du lịch mới; kết nối sản xuất, tiêu thụ ngành hàng hoa kiểng; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của từng địa phương cùng nhiều cuộc thi nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống khác.
Đây là hoạt động thường niên, được tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên và làng nghề truyền thống của địa phương gắn liền với phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu đến du khách trong và ngoài nước.