Theo AFP, kể từ năm 2013, hàng năm, ông Kim đều có bài phát biểu vào dịp Năm Mới. Đây là hoạt động được tiến hành theo truyền thống mà ông nội của ông - nhà lãnh đạo sáng lập Triều Tiên Kim Il Sung – trước đó từng duy trì.
Bài phát biểu đó là một thời khắc quan trọng trong chương trình nghị sự chính trị của Triều Tiên, trong đó Nhà lãnh đạo của nước này sẽ đúc rút lại những vấn đề trong quá khứ và đặt ra các mục tiêu cho tương lai. Bài phát biểu này thường cũng được in toàn văn trên tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong năm nay, Triều Tiên không phát sóng chương trình phát biểu của ông Kim vào sáng 1/1 – như thông lệ đã thành “chuẩn” gần đây – hay buổi trưa.
Thay vào đó, truyền hình nhà nước Triều Tiên đã phát bản tin, trong đó nhắc lại bài phát biểu dài của ông Kim trong cuộc họp 4 ngày của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vừa diễn ra.
Trong bài phát biểu, ông Kim nói với các quan chức hàng đầu của Triều Tiên rằng Bình Nhưỡng không còn bị ràng buộc bởi các lệnh cấm thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân, đồng thời tuyên bố Triều Tiên sẽ sớm công bố một loại “vũ khí chiến lược mới”.
Những tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong định hướng chính sách ngoại giao của Triều Tiên so với 2 năm qua.
Ông Park Won-gon - giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Handong, Hàn Quốc - cho rằng việc thay đổi định dạng chương trình phát sóng phát biểu của ông Kim có thể là để tránh “gánh nặng” cho ông này.
“Có một sự khác biệt lớn giữa việc đưa ra một bài phát biểu năm mới bằng giọng nói của chính mình và thông báo những gì đã được quyết định tại cuộc họp toàn thể. Khi bạn phát biểu có nghĩa là bạn đang gửi một thông điệp trực tiếp”, ông Park nhận định.
Theo vị chuyên gia, động thái như vậy cũng có thể giúp ông Kim tránh phải thừa nhận rằng cách tiếp cận trong quá khứ là sai.
Còn Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha Womans ở Seoul lại cho rằng động thái này cũng có thể nhằm mục đích làm dịu đi thông điệp.
“Bằng cách đưa ra những phát biểu tại một cuộc họp của đảng, ông Kim có thể đem đến giọng điệu quyết đoán mà không cần phải tỏ ra hiếu chiến như khi đưa ra những đe dọa hạt nhân trong một bài phát biểu độc lập”, giáo sư Leif-Eric Easley nhận định./.