Mấy năm gần đây, người viết về nông thôn ngày càng ít; lùi lại thời gian, dựng lại khung cảnh nông thôn với những người nông dân một nắng hai sương, hiền lành, chất phác và giàu lòng tin, lại càng ít. Trong bối cảnh không lấy gì làm vui ấy, tôi thật sự mừng khi được đọc cuốn tiểu thuyết thứ hai mới ra lò của nhà văn trẻ Nguyễn Quốc Hùng Dòng sông chở kiếp (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).
Mở đầu Dòng sông chở kiếp, bằng cảnh hàng trăm cư dân làng Trằm chạy lụt vào ngôi đình làng nhỏ bé, nhiều nhà đến rau cháo không còn đủ ăn ngày hai bữa, những sinh linh nhỏ bé nằm vạ vật, co ro vì đói rét, Nguyễn Quốc Hùng ngay từ những trang đầu tiểu thuyết đã tạo được môi trường cho sự xung đột để từ đó bộc lộ bản chất và tính cách nhân vật. Chính giữa hoàn cảnh chạy lụt trong ngôi đình nhỏ nhoi, sơ sài giữa đồng nước trắng băng ấy, mà chỉ một cái hẩy chân tưởng như vô tình của tay Ngang khi đi qua chỗ chị Nhụ ngồi, lại như có ma lực kéo chị đi tới giữa đình, nơi có nhà Ngang cũng đang chạy lụt ở đó. Rồi cái gì đến tất phải đến, cuộc tình vụng trộm giữa một là trưởng dòng họ Vũ và một là dâu trưởng dòng họ Nguyễn, diễn ra ngay dưới ban điện thờ đình làng, giữa tiếng thở dài ngao ngán vì lụt lội của hàng trăm cư dân làng Trằm.
Sau những gì xảy ra trong mấy ngày chạy lụt vào đình, rồi cuộc va chạm có một không hai giữa đám trai tráng hai làng Trằm và Thuận Thanh khi đào sông phân lũ, sau đó lại nhờ đào sông mà làng Trằm có đất đóng gạch xây lại đình làng to đẹp hơn, thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra làm thay đổi cuộc đời mỗi con người. Từ đấy trở đi, dân làng Trằm cũng như bao làng quê khác thực sự được hưởng cuộc sống bình đẳng, bình quyền, họ hiểu giá trị cuộc sống, nên hăng hái tham gia công việc làng xã.
Dòng sông chở kiếp là câu chuyện đời người, trải dài suốt mấy chục năm, từ khi đất nước còn chìm trong nô lệ đến ngày cách mạng thành công và bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Là một tác giả trẻ, nhưng với tình yêu quê hương và cảm phục trước sự hy sinh to lớn của những người đi trước, Nguyễn Quốc Hùng đã dám đi vào một đề tài tưởng như cũ nhưng chẳng bao giờ là cũ, viết về những người nông dân một nắng hai sương và quá trình giác ngộ đi theo Đảng theo cách mạng của họ. Với một lối viết chân thực nhưng giàu hình ảnh, nhiều trang như thực mà lại như hư, không khác nằm mơ giữa ban ngày nhưng vẫn cứ là thực, với hơn 350 trang sách, Dòng sông chở kiếp đem đến cho người đọc một bức tranh làng quê đồng bằng sông Hồng những ngày đầu cách mạng, mà thiết nghĩ nhân dịp chào mừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cũng rất nên đọc, nhất là bạn đọc trẻ, và đấy cũng là một cách “ôn cố tri tân”.
Cao Năm