Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đồng Nai vừa là tiền phương, vừa là hậu phương lớn, đóng góp nhiều sức người, sức của và đã có biết bao người con ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Người Đồng Nai anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, nghĩa tình trong cuộc sống, luôn coi “đền ơn đáp nghĩa” là đạo lý, bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng.
Những hành động thiết thực
Công tác thực hiện chính sách về trợ cấp hằng tháng, nhà ở dành cho người có công được tỉnh thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Để chăm lo, tri ân đối với người có công, gia đình chính sách, bên cạnh các chế độ, chính sách do Trung ương ban hành, Đồng Nai còn dành thêm nhiều sự chăm lo bằng các chế độ, chính sách riêng của tỉnh.
Chẳng hạn, mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc hay kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 hàng năm, ngoài phần quà của Trung ương, người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh còn được nhận quà từ UBND tỉnh với giá trị bằng hoặc cao hơn.
Báo Pháp luật Việt Nam vận động sửa chữa, nâng cấp lối vào khu mộ trong nghĩa trang Biên Hòa làm ấm lòng người thăm viếng. |
Đến nay, hầu hết người có công trên địa bàn tỉnh có nhà ở kiên cố. Đây là thành quả của quá trình 6 năm liên tục (từ năm 2013 – 2018), Đồng Nai đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 1.800 căn nhà thuộc hộ gia đình chính sách, trong số này có hơn 1.000 căn nhà tình nghĩa được xây mới, khang trang. Toàn tỉnh hiện không còn gia đình chính sách nằm trong diện hộ nghèo; không còn tồn đọng hồ sơ người có công.
Về công tác điều dưỡng, phục hồi sức khoẻ, từ năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã phân cấp cho các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức đưa đối tượng đi điều dưỡng tập trung cho trên 1.600 đối tượng với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng; điều dưỡng tại gia đình cho trên 4.120 đối tượng với kinh phí trên 4,5 tỷ đồng.
Hơn 50 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng với mức bình quân hàng tháng trên 1.000.000 đồng/mẹ và có cuộc sống ổn định. Hàng năm, tỉnh tổ chức đưa 02 đoàn đại biểu người có công tiêu biểu đi tham quan thủ đô Hà Nội và danh lam, thắng cảnh phía Bắc, với kinh phí trên 01 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Sự kiện do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tôn vinh chiến sĩ Cảnh sát cơ động ở Đồng Nai bị mất một bên chân trong khi làm nhiệm vụ. |
Trách nhiệm chung của cộng đồng
Để chăm lo tốt cho người có công, tỉnh không chỉ dành nguồn kinh phí đáng kể, gần 300 tỷ đồng mỗi năm; mà còn tích cực vận động các tổ chức đoàn thể, nhân dân cùng chung tay, góp sức vào hoạt động tri ân những người đã hy sinh xương máu và tính mạng để đất nước có ngày hôm nay.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho trên 13 ngàn lượt người có công với số tiền 1,3 ngàn tỷ đồng. Cùng với đó, còn có 1.000 người có công hưởng trợ cấp một lần với số tiền hơn 76 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã mua và cấp hơn 220 ngàn lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người có công.
Làm được điều này, lãnh đạo Đồng Nai đã quyết tâm, đồng lòng nhất trí từ hành động cho tới việc làm thiết thực, nhân văn, nhằm tạo sự ủng hộ của đông đảo tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động trao tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí dành cho người có công là một trong những hoạt động được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đưa vào chương trình công tác năm.
Đồng Nai cũng là địa phương thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đáng chú ý, năm 2014 tỉnh tiến hành khai quật, quy tập 102 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Chốt Vườn Điều (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) và khai quật, an táng 36 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 95 và Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 hy sinh trong trận đánh đồn Hoàng Diệu (xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh). Năm 2017, tỉnh tiếp tục tìm kiếm, khai quật và làm lễ an táng các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được coi là trách nhiệm không của riêng ai. Đội ngũ cán bộ chuyên trách đảm trách nhiệm vụ này từ tỉnh đến cơ sở đều là những người có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm với công việc. Tất cả 170/170 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều được công nhận làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”.
Xuất hiện nhiều mô hình có cách làm sáng tạo như mô hình cơ quan, đơn vị tự tiết kiệm để chăm lo cho các gia đình chính sách do huyện ủy Xuân Lộc triển khai đang có sự tham gia của gần 70 cơ quan, đơn vị.
Qua đó, đã có hơn 80 gia đình người có công được nhận chăm sóc hằng tháng với số tiền trên 45 triệu đồng, do cán bộ, công chức viên chức, người lao động đóng góp. Hoặc mô hình Chăm sóc gia đình mẹ liệt sĩ và mô hình thăm các gia đình liệt sĩ vào ngày giỗ tại huyệnTân Phú đang thực hiện đối với gần 30 gia đình người có công trên địa bàn vv...
Đền ơn đáp nghĩa luôn tiếp tục
Để công tác “đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu, theo ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Đồng Nai, trong giai đoạn 2020-2025 tỉnh sẽ thực hiện công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng và một lần cho 13.500 lượt người. Tiến hành nâng cấp, sửa chữa 7 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ cất bốc và di chuyển 300 mộ liệt sĩ theo nguyện vọng của gia đình.
Cũng theo ông Lộc, bên cạnh đó, sẽ xây dựng, sửa chữa 600 nhà tình nghĩa hư hỏng, xuống cấp nhằm đảm bảo nhà ở kiên cố cho đối tượng có công. Đồng thời, tiếp tục chú trọng thực hiện chế độ điều dưỡng cho người có công, chương trình khám chữa bệnh miễn phí, miễn giảm học phí, trợ cấp ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con thương - bệnh binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Với tấm lòng tri ân sâu sắc, thông qua những việc làm thường xuyên, liên tục, rộng khắp, ấm áp nghĩa tình, tỉnh Đồng Nai đã đảm bảo chăm lo tốt mọi mặt cho cá nhân, gia đình người có công trên địa bàn.
Sở LĐ- TBXH tỉnh Đồng Nai hiện đang quản lý hơn 57.600 hồ sơ, trong đó có gần 53.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công; còn lại là hồ sơ hưởng trợ cấp một lần theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có hơn 18.000 liệt sĩ, trên 17.000 người hoạt động kháng chiến, 1.129 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngoài ra, mảnh đất Đồng Nai địa linh nhân kiệt còn có 9 anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, hơn 1.100 người bị tù đày, hơn 6.700 thương - bệnh binh. Toàn tỉnh hiện có hơn 13.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí trên 24 tỷ đồng/tháng. Tỉnh thực hiện quản lý chăm sóc 7 nghĩa trang liệt sĩ, 17 đền thờ, 12 đài tưởng niệm và 55 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã/phường.