Vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất có nguyên đơn là bà Lê Thị Mỹ, bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Xuân Phong và bà Trần Thị Lan.
Tại phiên sơ thẩm lần thứ ba ngày 8/12/2020, HĐXX đã làm rõ nội dung. Theo đó, tháng 6/1991, ông Phong, bà Lan nhận chuyển nhượng từ ông Quang (cán bộ địa chính xã) 2 ha đất vốn là bãi xử lý bom mìn để cải tạo trồng cao su. Hợp đồng được chứng thực và sau đó vợ chồng ông Phong được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN).
Năm 1992, bà Mỹ đòi tiền ông Quang vì cho rằng đã từng đưa tiền cho ông Quang để nhận chuyển nhượng 2 ha đất này. Ông Quang cho biết có nhận chuyển nhượng giúp bà Mỹ 2 ha bằng giấy viết tay, không thể hiện thửa đất và ranh giới. Do bà Mỹ còn nợ tiền, đòi nhiều lần không trả nên ông Quang chuyển nhượng cho ông Phong, bà Lan để trừ nợ tiền công cày thuê với giá 2 chỉ vàng.
Tại VKSND huyện, hai bên đối trừ công nợ, làm biên bản hòa giải, ông Quang nhận trả bà Mỹ 5,5 chỉ vàng. Do ông Quang không trả nợ theo thỏa thuận, nên bà Mỹ lại đề nghị cơ quan chức năng giải quyết, ông Quang chấp nhận trả cho bà Mỹ 18 chỉ vàng. Tuy nhiên, sau đó ông Quang không trả vàng nên ngày 10/8/1999 bà Mỹ khởi kiện vợ chồng ông Phong, đòi lại quyền sử dụng 2 ha đất.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Nhơn Trạch và Bản án phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông Phong trả cho bà Mỹ 900 triệu; bác yêu cầu nhận lại 2 ha đất này của nguyên đơn.
Hai bản án này đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị tái thẩm và Quyết định số 10/2012/DS-TT ngày 26/12/2012 của Tòa Dân sự TANDTC đã hủy cả hai bản án để xử lại.
Bản án sơ thẩm (lần 2) số 35/DS-ST ngày 11/7/2014 của TAND huyện Nhơn Trạch đã bác yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm (lần 2) số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, như bản án đã bị TANDTC hủy bỏ 13 năm trước. Ngày 12/7/2017, Chánh án TANDTC lại ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị, hủy bản án phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại.
Lần này quyết định giám đốc thẩm chỉ hủy bản án phúc thẩm. Do đó, bị đơn cho rằng khi xét xử phúc thẩm lần 3, TAND tỉnh sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm để khép lại vụ kiện. Thế nhưng Bản án phúc thẩm số 186/2018/DS-PT ngày 9/11/2018 của TAND Đồng Nai lại hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho TAND huyện Nhơn Trạch xử sơ thẩm (lần 3) với lý do bị đơn đã thế chấp GCN tại Ngân hàng TMCP Á Châu, cần đưa Ngân hàng tham gia phiên tòa sơ thẩm với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba, Thẩm phán Nguyễn Văn Lâm đã để các bên liên quan trình bày đầy đủ, các ý kiến tranh tụng được lắng nghe. Đại diện VKSND huyện nêu quan điểm: Việc thỏa thuận của ông Quang với bà Mỹ tại VKSND huyện về việc “trả lại vàng cho bà Mỹ là tự nguyện, phù hợp quy định của pháp luật. Việc ông Phong, bà Lan nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Quang được UBND xã Vĩnh Thanh xác nhận, sử dụng ổn định không tranh chấp, đã được cấp GCN… Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không có cơ sở”.
HĐXX cũng nhận định, việc bà Mỹ khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quang và ông Phong, bà Lan và yêu cầu ông Phong, bà Lan trả lại 2 ha đất là không có căn cứ, không phù hợp với Điều 100, Điều 166 Luật Đất đai 2013.
HĐXX đã tuyên đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Mỹ về việc yêu cầu hủy GCN của ông Phong, bà Lan do nguyên đơn rút yêu cầu; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về tranh chấp quyền sử dụng đất đối với ông Phong, bà Lan. HĐXX cũng quyết định về án phí, chi phí thẩm định giá tài sản tranh chấp.
Trong suốt 21 năm qua, các bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai đều bị khiếu nại, Đoàn ĐBQH Đồng Nai các khóa đều có nhiều văn bản kiến nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét kháng nghị để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ông Phong, bà Lan. Báo chí cũng có rất nhiều bài báo tương đồng với quan điểm của Đoàn ĐBQH Đồng Nai.
Các quyết định kháng nghị và quyết định tái thẩm, giám đốc thẩm của TANDTC, TANDCC đều nhận định ông Phong, bà Lan không có quan hệ vay mượn, mua bán gì với bà Mỹ, nên buộc họ phải trả tiền cho bà Mỹ, dù trước đó họ đã trả tiền cho ông Quang, là không có căn cứ và trái pháp luật.