Ghi nhận có tình trạng không muốn đạt chuẩn nông thôn mới và không muốn thoát nghèo, vì khi đã đạt chuẩn hoặc thoát nghèo thì không còn là đối tượng thụ hưởng những chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, như phản ảnh của các đại biểu Quốc hội; Phó Thủ tướng cho biết sẽ có những điều chỉnh về chính sách tạo động lực cho bà con có thể tự vươn lên. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng mong chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động bà con được thụ hưởng các chương trình, dự án có một tâm thế mới hơn, tích cực hơn, tránh sự ỷ lại thì mới có thể đạt được kết quả tốt đẹp.
Câu chuyện cho thấy, tâm lý bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách, ỷ lại, trông chờ; xã trông chờ huyện, huyện trông chờ tỉnh, tỉnh trông chờ Trung ương vẫn còn tồn tại.
Không khó nhận diện tư tưởng trông chờ, ỷ lại từ lâu nay là một trong những lực cản cho sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Vì thế, cấp xã, huyện nhiều nơi đã dũng cảm xác định nhiệm vụ “xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại” làm khâu đột phá. Huyện vì tỉnh, tỉnh vì Trung ương, vì cả nước; là tư duy cần được cổ vũ, nhân lên, lan tỏa.
Nhiều nơi, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã trở thành cuộc vận động. Để đi vào cuộc sống, cấp ủy Đảng, chính quyền đã đi sâu, bám sát từng hộ gia đình. Đảng viên từng khu dân cư được Chi ủy, Đảng ủy được phân công hộ gia đình để tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. Phải tìm cách thoát nghèo, quý hơn trông chờ vào cứu trợ.
Đi cùng với việc tuyên truyền, vận động, chính quyền triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ gia đình. Việc lựa chọn mô hình cũng là một vấn đề lớn để làm sao mô hình có sự lan tỏa, tạo được ảnh hưởng lớn, tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người dân.
Thử hỏi, nếu trông chờ, ỷ lại thì sao có được bộ mặt nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng... tại các khu vực nông thôn, đáng mừng như hiện nay. Hiến đất, đóng góp ngày công lao động, đã và đang là những hành động rũ bỏ sự trông chờ.
Trông chờ, ỷ lại hiện diện trong một số tổ chức, cá nhân. Suy cho cùng, đó cũng là một trong 27 biểu hiện về suy thoái của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), chúng ta phải biết đấu tranh và tự đấu tranh.
Cũng phải nhận thấy, trông chờ, ỷ lại có một phần nguyên nhân từ giáo dục; nhưng có một phần nguyên nhân từ những “điểm nghẽn” trong cơ chế xin - cho. Nhận diện cho rõ vấn đề, để tất cả cùng đồng lòng xóa bỏ “bệnh” trông chờ, ỷ lại.