Tất cả các chợ, TTTM vào “tầm ngắm”
Tổng cục QLTT vừa ký Quyết định 3972/QĐ-TCQLTT phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) từ tháng 12/2019 đến hết năm 2020.
Trong quyết định này, Tổng cục QLTT đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố, trong đó có những điểm mà gần như là lần đầu bị rơi vào “tầm ngắm”. Cụ thể, kế hoạch lần này sẽ tập trung vào các chợ có cường độ giao thương buôn bán lớn và TTTM.
Ở Hà Nội, đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào chợ Đồng Xuân, các tuyến phố Hàng Bài, Phố Huế, Bà Triệu, Tràng Thi, Hàng Bông; chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm); xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên); xã La Phù (huyện Hoài Đức), xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).
Ở TP Hồ Chí Minh, ngoài việc tiếp tục kiểm tra các chợ như Bến Thành, An Đông, lần đầu tiên, cơ quan QLTT tập trung vào kiểm tra các TTTM như Saigon Square, Lucky Plaza cùng các tuyến đường giao thương lớn như Lê Văn Sỹ - Huỳnh Văn Bánh, Cách mạng tháng Tám, 3/2.
Ngoài ra, kế hoạch này cũng sẽ tiến hành kiểm tra các chợ dành cho khách du lịch, giao thương buôn bán lớn ở các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang. Một số tỉnh, thành khác, các TTTM cũng vào “tầm ngắm” như Viva Square (Đồng Nai), TTTM Cái Khế (Cần Thơ), TTTM TP. Rạch Giá (Kiên Giang), TTTM Hòn Chồng (Khánh Hòa).
Các mặt hàng nằm trong diện đấu tranh, kiểm tra, xử lý là mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi ví và các loại mặt hàng khác có xuất hiện tình trạng hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các địa bàn nổi cộm theo danh sách trên.
Không có… vùng nhạy cảm
Đại diện Tổng cục QLTT chia sẻ với PLVN, từ trước đến nay, chợ là địa điểm mà lực lượng QLTT chưa bao giờ “sờ đến” do thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chợ cũng là một địa điểm tiêu thụ hàng giả, hàng nhái rất lớn nên Tổng cục đã quyết tâm dẹp bỏ hàng nhái, hàng giả tại chợ khi tấn công vào chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Trong đợt kiểm tra này, khi xuất hiện đoàn kiểm tra đầu chợ thì giữa chợ và cuối chợ tiểu thương sầm sập đóng cửa kiot nghỉ bán hàng. Một kiểm soát viên trong đoàn kể lại: “Được chứng kiến và nghe âm thanh sầm sập đóng cửa của các quầy hàng trong chợ hôm ấy mới thấy cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái ở các chợ khó khăn như thế nào”.
Các TTTM cũng là địa điểm vốn từ trước đến nay ít ở trong “tầm ngắm” của lực lượng QLTT. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuộc tấn công vào trung tâm mua sắm Thương trường quốc tế Hồng Nguyên (Móng Cái, Quảng Ninh) với việc thu giữ hàng nghìn sản phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đã cho thấy, các TTTM đã bị buông lỏng quản lý suốt một thời gian dài.
Thậm chí, đã có những mặt hàng đã được chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu khẳng định là hàng giả nhưng được bày bán công khai với mức giá trên 150 triệu đồng/sản phẩm mới thấy người tiêu dùng đã bị lừa tinh vi, trắng trợn như thế nào.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, cuộc “tấn công” vào hàng giả ở các TTTM là nỗ lực lớn của lực lượng QLTT bởi xưa nay “chúng ta vẫn tin tưởng hàng hóa ở các TTTM hơn”, ít người nghĩ lại có hàng giả trong các TTTM. Nhưng kết quả kiểm tra ở Hồng Nguyên đã cho thấy, bất kỳ địa điểm kinh doanh nào cũng có thể là tụ điểm cho hàng giả “tập kết” nếu người bán hàng vì lợi nhuận, bất chấp để lừa đảo người tiêu dùng.
Do đó, với cuộc “tổng tấn công” mà Tổng cục QLTT vừa phát động, Tổng cục QLTT đã đặt ra mục tiêu rất rõ ràng. Cụ thể, đến hết tháng 3/2020, 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm được vận động, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và không tái phạm; 100% số cơ quan, chính quyền, ban quản lý chợ, TTTM, tuyến phố, phường, xã, thôn, xóm... tại các địa bàn nổi cộm ký cam kết, quy chế phối hợp không để hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm quyền SHTT bày bán công khai, vi phạm tái diễn.
Tiếp theo, đến hết tháng 6/2020, 50% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT; 70% số cơ sở kinh doanh đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. Và kết thúc chiến dịch, 12/2020 sẽ có 90-100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền SHTT.