Trước đây, các biển quảng cáo khoan cắt bê tông dán chi chít ở các cột điện trên đường phố, trong ngõ ngách bị xử lý triệt để bằng cách số điện thoại liên hệ sẽ bị nhà mạng cắt ngay lập tức. Tuy nhiên, vi phạm về việc treo băng rôn quảng cáo các chương trình ca nhạc rầm rộ của các ca sĩ thì vẫn chưa hề có dấu hiệu sửa sai.
Theo quy định, các chương trình biểu diễn ở Hà Nội chỉ được cấp phép treo băng rôn quảng cáo trong vòng 15 ngày trước đêm diễn. Và số lượng chỉ được hạn chế từ 10 – 15 cái ở xa vị trí trung tâm. Tuy nhiên, nhìn vào hai chương trình được quảng cáo rầm rộ gần đây nhất của Đàm Vĩnh Hưng và Trọng Tấn thì chúng ta có thể thấy, băng rôn vi phạm ngay từ địa điểm treo cho đến tần suất xuất hiện.
Tuy nhiên, để chương trình bán được nhiều vé và được nhiều người biết đến thì trong suy nghĩ của nhà tổ chức không thể có chuyện hát ở trung tâm mà treo quảng cáo ở ngoại thành nên các đơn vị tổ chức sẵn sàng nộp phạt theo quy định là từ 1 – 10 triệu đồng để được ngang nhiên giăng băng rôn khắp phố phường. Bởi vốn dĩ một chương trình ca nhạc lớn, giá phạt ngần ấy có đáng bao nhiêu.
Trả lời báo chí về việc đóng dấu “vi phạm” lên các băng rôn quảng cáo, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho hay, Thanh tra Sở gỡ băng rôn vi phạm không xuể vì cứ gỡ là các công ty bán vé lại thuê người treo lên. Việc đóng dấu như thế này là để thông báo cho địa phương là các cơ quan, chính quyền đã có động thái đối với những hành vi sai quy định, cũng là lời cảnh cáo cho các đơn vị, tổ chức sau đó.
Nhà nước đã có luật về chuyện treo băng rôn quảng cáo sai quy định, Nghị định 158 xử phạt vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo và Hà Nội cũng đã có quy hoạch treo băng rôn quảng cáo. Từ năm 2014, Hà Nội đã không còn những băng rôn quảng cáo ngang đường.
Sau khi băng rôn quảng cáo bị đóng dấu vi phạm, phía Đàm Vĩnh Hưng và Trọng Tấn cũng đã có những phản biện cũng như bày tỏ quan điểm của mình về sự việc trên. Tuy nhiên, luật vẫn là luật và thực tế có nhiều hình thức tiếp cận với khán giả văn hóa, văn minh, hiện đại hơn như qua trang web, qua facebook hay đặt tờ rơi tại những địa chỉ văn hóa... Thế nên, “bài toán” băng rôn quảng cáo như nói trên với Hà Nội có lẽ không chỉ là việc cắt hay đóng dấu, hay xử phạt mà thôi.