Việc sửa nghị định trong bối cảnh đại án đăng kiểm đang được các địa phương đưa ra xét xử. Trong đó, 42 địa phương với 112 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) có đăng kiểm viên (ĐKV) bị khởi tố. Đại diện Cục Đăng kiểm dự báo, việc xét xử sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định tại nhiều tỉnh, thành khi hàng loạt ĐKV có nguy cơ bị kết tội.
Theo quy định hiện hành, các TTĐK sẽ bị đình chỉ 3 tháng nếu có từ 2 ĐKV trở lên bị thu hồi chứng chỉ ĐKV do bị kết tội liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Cục Đăng kiểm cho biết, những quy định trên đặt trong bối cảnh, hàng loạt địa phương đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến đăng kiểm sẽ dẫn đến nguy cơ 91 trung tâm tại 32 địa phương phải dừng hoạt động, 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc. Thậm chí, có những địa phương “trắng” TTĐK như Bắc Kạn và Thái Bình.
Ngoài ra, nhiều TTĐK bị dừng hoạt động trong khoảng thời gian liên tục (trên 12 tháng) do thiếu nhân sự, sửa chữa khắc phục cơ sở vật chất, di chuyển địa điểm, phòng cháy, chữa cháy… mà không phải nguyên nhân do sai phạm dẫn đến bị tạm đình chỉ.
Với các trường hợp trên, theo quy định hiện hành cơ quan chức năng buộc phải thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và chỉ được xem xét cấp lại sau 36 tháng kể từ ngày bị thu hồi. Thực tế này dẫn đến thiếu hụt các TTĐK gây thiệt hại lớn cho người dân, DN.
“Những sự việc nêu trên là chưa có tiền lệ, phát sinh trong thực tiễn hoạt động kiểm định xe cơ giới đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua, do con người gây ra”, Bộ GTVT nhận định.
Trước khó khăn trên, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ sớm sửa Nghị định 139/2018/NĐ-CP và Nghị định 30/2023/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết kịp thời những khó khăn trong đăng kiểm.
Sau khi Chính phủ chấp thuận sửa nghị định trên theo trình tự thủ tục rút gọn, Bộ GTVT đã xây dựng và gửi dự thảo nghị định lấy ý kiến các Bộ, ngành.
Trong đó, dự thảo nghị định được sửa theo hướng bãi bỏ quy định tạm đình chỉ hoạt động đối với TTĐK có từ 3 ĐKV trở lên bị thu hồi chứng chỉ ĐKV. Không thu hồi chứng chỉ ĐKV đối với trường hợp bị tòa án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ.
Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất bổ sung 2 quy định về việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép khi đơn vị đăng kiểm sử dụng các công cụ, phần mềm để sửa chữa dữ liệu phương tiện, dữ liệu kiểm định nhằm hợp thức hóa thông tin, kết quả kiểm tra phương tiện; không duy trì bộ phận giải quyết công việc liên quan đến hồ sơ về kiểm định trong thời gian đơn vị ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Theo Bộ GTVT, việc bổ sung chế tài trên nhằm bảo đảm việc quản lý nhà nước đối với đơn vị đăng kiểm, tránh trường hợp các đơn vị không duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan đến hồ sơ về kiểm định trong thời gian ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Trước đó, theo xác định của cơ quan chức năng, ngành đăng kiểm xuất hiện một số đơn vị sử dụng phần mềm làm sai lệch hồ sơ phương tiện. Sai phạm này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kiểm định nên cần bổ sung chế tài xử lý nhằm tăng tính răn đe.
Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm, đã có 112 TTĐK với hơn 900 ĐKV bị khởi tố tại 42 địa phương.
Để bổ sung ĐKV, qua tuyển dụng, đào tạo, từ đầu năm 2023 Cục Đăng kiểm đã thực hiện 32 đợt đánh giá ĐKV (trước đây mỗi năm chỉ tổ chức được 4 đến 5 đợt đánh giá).
Tuy nhiên, để có thể đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn một kỹ sư cơ khí trở thành ĐKV cần nhiều thời gian.
Một kỹ sư cơ khí (học đại học 5 năm) cần 1 năm tập huấn, thực tập nghiệp vụ kiểm định để được công nhận là ĐKV.
ĐKV có kinh nghiệm tối thiểu 3 năm mới đủ điều kiện để công nhận là ĐKV bậc cao hoặc là lãnh đạo đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận kiểm định.
Do đó, năm 2023 cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 ĐKV mới; năm 2024 đến đầu năm 2025 dự kiến có gần 350 ĐKV mới.
Như vậy, đến hết năm 2026 hệ thống đăng kiểm xe cơ giới chưa bù đắp được số ĐKV đã bị khởi tố hơn 900 người.