Đó là chủ đề triển lãm tranh nghệ thuật vẽ bằng ngón trỏ của họa sỹ Võ Trịnh Biện tại TP Đà Lạt thu hút khá đông người xem và được đánh giá cao về nghệ thuật…
Biện dùng tay vẽ Bình Ngô Đại cáo |
Triển lãm có 40 tác phẩm tranh sơn dầu được Võ Trịnh Biện vẽ bằng ngón trỏ phải trên chất liệu vải bố và giấy Crôky. Trong đó, nhiều tác phẩm như mặt nạ, thời gian, nơi ấy, bâng khuâng… được người xem đánh giá cao về bố cục cũng như sự phối màu đầy ấn tượng. Đặc biệt, do tranh được vẽ bằng đầu ngón tay nên có phong cách rất lạ, và nói như một người bạn của Biện là dòng tranh này nhìn không giống ai, bởi “dấu vân tay” của tác giả để lại trên tranh tạo thành nét độc đáo và cũng rất riêng.
Võ Trịnh Biện thổ lộ: “Để có “Dòng chảy” mình chỉ làm việc trong 3 tháng, nhưng ý tưởng về nó thì phải mất rất nhiều năm trải nghiệm cuộc sống mới có được”. Cũng theo Biện, “Dòng chảy” cuộc sống có thể bào mòn và cuốn trôi đi nhiều thứ nhưng cũng để lại cho mỗi con người những thứ mà chúng ta cần nâng niu, trân trọng và giữ gìn”.
Có thể nói, nếu như với chủ đề: tre trúc, sắc màu ký ức, một nữa, phía sau, nét xưa, lối về (trong gần 7 năm vẽ tranh, từ năm 2003 đến nay Võ Trịnh Biện đã có 8 cuộc triển lãm cá nhân tại Đà Lạt và 2 cuộc triển lãm chung tại Hồng Kông và Úc)… Trong đó, bộ tranh mực tàu chủ đề “Tre trúc” mặc dù không có bất kỳ bóng dáng con người trong tranh, chỉ có tre trúc, con sông, bến đò… nhưng người xem vẫn cảm nhận được thân phận con người giữa bao bộn bề lo toan của cuộc sống. Còn “lối về” lại thể hiện rõ nét trạng thái những người thành công cũng như bế tắc trong cuộc sống giữa hiện thực “có” và “không”. Cũng với “Lối về”, người xem còn tìm được “chân – thiện – mỹ” hay nói đúng hơn là tìm được “bản ngã” chính mình. Trong khi đó, với “Dòng chảy”, tác giả không nói nhiều về thân phận mà chỉ thể hiện “cái lõi” tâm hồn con người giữa những áp lực đời thường bị “dòng chảy” cuộc sống bào mòn, cuốn trôi… Như theo cách nói của Biện: “Những gì còn sót lại, đọng lại của “Dòng chảy” đã trở thành dấu ấn, rất có thể là nỗi đau và cả hạnh phúc nhưng con người cần phải sống, phải tồn tại nên phải biết nâng niu, quý trọng cuộc sống”.
Bên tác phẩm "Dòng chảy" |
Một số họa sỹ ở phố núi nhận xét: “Với “Dòng chảy”, chỉ bằng hai gam màu nóng, lạnh, Võ Trịnh Biện đã thành công trong lối kể chuyện bằng tranh về thân phận con người giữa những nghịch lý của cuộc sống bộn bề sau khi trải qua “Dòng chảy” thời gian”. Trong khi đó, cũng không ít người sau khi xem “Dòng chảy” lại cho rằng tác giả đã lạm dụng gam màu nóng hơi nhiều, chưa kể nhiều bức tranh rất trừu tượng khó hiểu.
Mặt nạ của tác giả. |
Khen, chê là do thị hiếu của người thưởng lãm tranh, và giá trị nghệ thuật cứ để thời gian thẩm định. Điều đáng quý ở họa sỹ Võ Trịnh Biện, người con của đất Quảng, chính là việc anh hướng “Dòng chảy” trở về nguồn cội. Toàn bộ số tiền bán tranh trong đợt triển lãm lần này sẽ được anh dành ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Không những vậy, những ngày này anh còn tập trung hoàn thành công trình dùng “nhất dương chỉ” – ngón trỏ để vẽ lại những án văn bất hủ gồm tập “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, “Chiếu Dời Đô” của Lý Công Uẩn và “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt (tất cả đều sử dụng mực Tàu trên giấy Crôky, nguyên bảng chữ Hán) để dâng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long (Hà Nội). Tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo có khổ rộng 0,9m cao 1,6m, dày 200 trang và nặng gần 300kg, còn tác phẩm Nam Quốc Sơn Hà được thể hiện một mặt trên giấy cùng loại với khổ rộng 1m cao 2m; Chiếu Dời Đô khổ rộng 4m và cao 6m.
Họa sỹ Võ Trịnh Biện cho biết thêm, để có công trình vẽ sách bằng ngón trỏ là nhờ một người bạn tài trợ với số tiền khoảng 500 triệu đồng và anh cũng đã hoàn thành hơn 60% công việc. Theo anh, tháng 3/2010 công trình sẽ hoàn thành và trưng bày triển lãm tại TP.HCM, sau đó là Quảng Ngãi, Hội An, Văn miếu Quốc Tử Giám đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long rồi tặng cho TP Hà Nội./.