Lãng phí tiềm năng
Với khoảng 2,63 triệu ha đất nông nghiệp luôn được bồi đắp phù sa màu mỡ hàng năm, hệ thống sông ngòi chằng chịt, lực lượng lao động dồi dào… ĐBSCL hội tụ gần như đầy đủ các điều kiện lý tưởng để phát triển một nền nông nghiệp chất lượng cao. Năm 2009, ngành nông nghiệp vùng đồng bằng đạt giá trị 92 ngàn tỷ đồng, chiếm 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành của cả nước. Đến năm 2010, mức đóng góp này đã lên tới 46% .
Hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp diễn ra sáng 26/7 tại TP.HCM |
Tuy nhiên, sáng qua (26/7), tại Hội nghị xúc tiến đầu tư nông nghiệp khu vực TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, dù sở hữu nhiều lợi thế song vùng đất 9 sông vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Ngành nông nghiệp của ĐBSL còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bà con nông dân chưa chủ động được trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Là vựa lúa của cả nước, thế nhưng đến nay nông dân ĐBSCL hầu hết không có sân phơi, không có lò sấy và không có kho chứa, chính vì thế hầu hết phải bán lúa ngay tại ruộng, chấp nhận giá thấp. Về nuôi trồng thủy hải sản thì chủ yếu là tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp xuất khẩu nên tình trạng nông dân bị ép giá và thua lỗ vẫn thường xuyên diễn ra.
Đặc biêt, việc đầu tư cho vùng này còn quá dàn trải, chỉ chú trọng vào năng suất mà quên đi khâu nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì thế sản phẩm lúa gạo của chúng ta dù xuất nhiều về số lượng, nhưng giá thành và chất lượng rất thấp so với các nước khác. Hơn nữa các sản phẩm về thủy- hải sản chủ yếu xuất là khẩu thô, chưa qua chế biến nên giá trị kinh tế không cao.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lương Lê Phương nhấn mạnh, ĐBSCL hiện còn nhiều thế mạnh bị bỏ ngỏ, như chăn nuôi còn yếu, lĩnh vực trồng rừng ngập mặn lấn biển, khai thác hải sản xa bờ còn rất hạn chế, nhà máy chế biến lại càng thiếu hơn… Chính vì vẫn bị bỏ ngỏ lâu nay, cho nên theo ông Phương đây chính là cơ hội lớn dành cho các nhà đầu tư biết khai phá. Không những thế, nếu đầu tư vào các lĩnh vực này, doanh nghiệp còn được hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước.
Liên kết tạo bước đột phá
Dù có nguồn lao động dồi dào, song đội ngũ có trình độ khoa hoc công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bằng còn rất yếu và thiếu so với các vùng khác trên cả nước. Ông Nguyễn Ngọc Phi - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH kỳ vọng, đến năm 2020, sau khi đề án đào tạo mỗi năm một triệu lao động nông thôn kết thúc, số lao động có trình độ chuyên môn ở vùng này sẽ dược nâng lên đáng kể.
Sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương nhằm phát huy lợi thế vùng từ lâu đã được nhấn mạnh như là điều kiện tối cần thiết cho sự phát triển của ĐBSCL. Trong thời gian qua các doanh nghiệp TP.HCM đã đầu tư hàng trăm dự án với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng vào vùng đồng bằng, trong đó đầu tư vào nông nghiệp chiếm một tỷ lệ lớn. Ông Lê Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng dù tỷ trọng nông nghiệp thành phố chỉ chiếm chưa đầy 5% GDP, nhưng TP.HCM lại có rất nhiều lợi thế để cùng hợp tác phát triển với các tỉnh ĐBSCL.
Lợi thế thứ nhất là về nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao trong cả từ khâu nghiên cứu đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu; thứ hai là tập trung một lượng doanh nghiệp lớn nên có nhiều tiềm năng về vốn để đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp; thứ ba là có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh cả đường bộ, đường sông, đường không và cả đường biển… Với những lợi thế đó, theo ông Trí, nếu ĐBSCL và thành phố liên kết chặt chẽ với nhau thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ cho khu vực mà còn cho cả nước nói chung.
Để phát triển bền vững nền nông nghiệp ĐBSCL, theo Thứ trưởng Lương Lê Phương thì bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước rất cần vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Một sự chung tay như vậy mới có thể tạo bước đột phá trong “xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa quy mô lớn nhất nước, có năng suất, chất lượng và sức cạnh cạnh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao…”.
Ngọc Quý