Tết này không được về với gia đình…
Những ngày cuối năm, đến Khoa điều trị cho bệnh nhân ung thư của BV Quân y 103, chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nhìn thấy những bệnh nhân mới truyền xong hoá chất, mệt lả, co mình trong tấm chăn mỏng với những khuôn mặt buồn lặng lẽ.
Ở cái tuổi 28, căn bệnh ung thư trực tràng đã khiến chị Hoàng Thị Vân (Hưng Nguyên, Nghệ An) gần như suy sụp hoàn toàn, ngay cả ước mơ đón Tết sum họp cùng gia đình với chị cũng đã không còn. Sau 3 tháng ròng rã nằm điều trị tại BV, sức khỏe của chị có chút khá hơn nhưng do ảnh hưởng của hóa trị nên chị vẫn phải nằm viện theo dõi thêm. Bao nỗi niềm giấu vội sau ánh mắt bơ phờ vì bệnh tật hành hạ, người phụ nữ trẻ này phân trần: “Buồn lắm em ạ, ở nhà chị còn hai đứa con thơ, đang độ tuổi bi bô. Hai vợ chồng vừa mới lấy nhau, tài sản kinh tế chưa có gì nay đột nhiên mắc bệnh, cả nhà đi vay mượn khắp nơi để lấy tiền chữa bệnh cho chị. Mọi năm, tầm này ở nhà là đi chợ bán hàng Tết, kiếm vài đồng tiền tiêu Tết nhưng năm nay nằm ở đây, nhớ con, nhớ gia đình mà cũng chẳng biết khi nào được về quê”.
Tết là thời khắc gia đình sum vầy đối với mọi người, nhưng với những bệnh nhân nơi đây Tết là tiếng máy móc chạy đều đặn từng ngày, là gánh nặng về chi phí qua mỗi giai đoạn điều trị và nỗi canh cánh thương gia đình, thương đàn con nhỏ ở nhà không biết đã chuẩn bị Tết đến đâu? “Ngoài đường phố, ở quê nhà giờ này chắc không khí Tết vui nhộn lắm rồi. Chúng tôi phải truyền hóa chất, sức khỏe yếu không được ra bên ngoài nên chẳng biết không khí ngoài kia thế nào chứ trong phòng bệnh chỉ có không khí bệnh thôi. Các bệnh nhân cùng phòng thương nhau thì kể cho nhau nghe chuyện nọ, chuyện kia cho qua ngày, qua tuần. Mong rằng tới đây, chúng tôi được về quê để đón Tết mà các con, các cháu đã chuẩn bị sẵn cho, chứ ở viện ăn Tết thì chắc là sợ lắm, buồn lắm. Nhưng nếu bắt buộc phải ở lại thì buồn cũng đành phải chấp nhận vì bệnh tật cả thôi”, bác Nguyễn Văn Độ (68 tuổi, quê Ứng Hòa – Hà Nội) chia sẻ.
Những ngày này, các đoàn từ thiện đến với các BV cũng đông hơn để chia sẻ yêu thương tới những người kém may mắn hơn mình đang bị bệnh tật hành hạ và những người thân đang đồng hành cùng họ. Cùng với các nhà hảo tâm, các bệnh viện cũng chuẩn bị quà Tết cho những người bệnh phải điều trị trong bệnh viện: nào đào nào quất, bánh kẹo, bánh chưng, những suất đồ ăn nóng hổi; ngoài ra còn có cả quần áo, tiền mặt… Tất cả tạo nên một cái tết ấm áp, giúp bệnh nhân chống chọi với nỗi đau bệnh tật, và mong sao họ sẽ mau khỏi bệnh để tiếp tục đón thêm nhiều cái Tết, nhiều mùa xuân nữa cùng gia đình…
Dù phải chống chọi với bệnh tật nhưng những người bệnh vẫn lạc quan, tạo niềm tin ở tương lai tốt đẹp hơn. |
Tâm sự của những “blu trắng” đón giao thừa trong bệnh viện
Dịp Tết là dịp nhiều ngành nghề được nghỉ ngơi, tuy nhiên với đội ngũ các y, bác sĩ thì Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả. Trong thời khắc giao thừa hay trong những ngày đầu năm khi mọi người được sum họp bên gia đình thì họ, những người mặc áo blouse vẫn hết mình, miệt mài với công việc. Mặc dù biết sự vắng mặt của họ trong đêm giao thừa là sự thiệt thòi cho cả gia đình nhưng các bác sĩ vẫn vui vẻ chấp nhận bởi đó là nghề mà họ đã chọn.
Với bệnh nhân, người nào nhiều cũng chỉ phải đón giao thừa ở BV một vài lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đã là chuyện thường xuyên. Năm nào cũng vậy, “cuộc chiến với tử thần” của các bác sĩ luôn chính thức bắt đầu từ ngay sau thời điểm giao thừa cho đến những ngày đầu tiên của năm mới. Vào những thời điểm này, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, hầu hết là những ca bệnh nặng, đội ngũ y, bác sĩ ở mỗi khoa giảm hơn ngày thường quá nhiều do vậy các bác sĩ phải làm việc với cường độ áp lực, vất vả hơn rất nhiều.
Ngoài ra, ngày Tết, cứ bệnh nhân say rượu vào viện thì thường cả hội nhậu say xỉn ùn ùn kéo vào. Họ hùng hổ ép bác sĩ phải quan tâm nhiều nhất, dùng thuốc tốt nhất cho bệnh nhân, hoặc dọa nạt nhân viên y tế. Có những nhóm khác thì vẫn quyết mang cả hận thù vào BV để “xử lý”, “thanh toán” lẫn nhau. Do đó, kể cả ngày trực thường cũng như trực Tết hôm nào kết thúc ca trực mà ở BV không xảy ra chuyện chửi bới, dọa nạt, lấy cớ hành hung nhân viên y tế là cả kíp trực đều thở phào nhẹ nhõm. Mấy năm gần đây nhờ có lực lượng 141, công an phối hợp với các BV, cùng với đó trình độ dân trí tăng cao nên tình trạng hành hung bác sĩ tại BV đã được hạn chế hơn. Bác sĩ trực trong những ngày Tết cũng được yên tâm hơn để điều trị cho bệnh nhân.
Đã hơn 20 năm gắn bó với những ngày trực Tết, bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: Đối với bất cứ mỗi nhân viên y tế thì trực Tết là một cực hình, không ai muốn đi trực Tết nhưng nghề y là vậy. Đã là một người đứng trong ngành y tham gia trực tiếp vào công tác chuyên môn thì không ai tránh khỏi trực Tết, đó là chuyện đương nhiên và mỗi người đều coi đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và công việc mà mình cần phải làm. Tuy không ai mong muốn nhưng khi một người nhân viên y tế xác định công việc chỉ là một nghề thì sẽ không thấy có kỷ niệm gì nhưng khi coi đó là một sự nghiệp và biết cách biến công việc trở thành những niềm vui ví dụ như trong những ngày Tết chẩn đoán ra một vài ca bệnh khó hay điều trị khỏi một vài ca bệnh khó, cứu được ai đó thì khi đó trở thành một niềm vui đối với những nhân viên y tế. Do đó, mỗi lần trực đều có những ấn tượng khác nhau mà chẳng năm nào giống năm nào. Chẳng hạn như ấn tượng trực Tết thời sinh viên là những ấn tượng về nỗi niềm xa nhà, không được sum họp với gia đình, không có Tết hay số lượng bệnh nhân đông, cường độ làm việc kinh khủng,...
Bác sỹ Phúc chia sẻ: “Những ngày Tết, nhân lực tại các khoa của BV ít nhưng số bệnh nhân lại có xu hướng tăng thêm nhiều, hầu hết là những ca chấn thương nặng do tai nạn giao thông, hay những ca mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa. Tất cả y, bác sĩ luôn luôn sợ Tết, vì ngày Tết là ngày mọi người vất vả nhất. Một ngày trực Tết của bác sĩ kéo dài 24h, kết thúc ca trực sau một ngày thức trắng, làm việc hết công suất, hầu như ai cũng cần thời gian để nghỉ bù. Do vậy, với y, bác sĩ trực Tết thì những ngày Tết là tất bật chứ không phải là để nghỉ ngơi hay tận hưởng không khí Tết. Và với nhân viên y tế thì hầu như không có Tết, cùng lắm họ chỉ được hưởng 30% không khí Tết hoặc có những người mất Tết hoàn toàn. Nghề y là một nghề khắc kỷ và khắc nghiệt, do vậy ai cũng cần có ý thức vượt qua những sự khó khăn đó. Trực tết cũng là một trong những điều cực kỳ khắc nghiệt của nghề, có một số người không chịu được áp lực của trực nói chung và trực Tết nói riêng đã xin chuyển nghề hoặc chuyển sang bộ phận hành chính...”.
“Bình thường lời chào, lời chúc năm mới luôn là những lời chúc được mọi người dành cho nhau nhiều nhất trong thời khắc năm mới. Tuy nhiên, ở BV mọi người gặp nhau đều hỏi “hôm qua có đông bệnh nhân không” rồi lại chúc nhau “hôm nay đồng chí trực chúc đồng chí sẽ có ít bệnh nhân”, với họ đó là những lời chúc, hỏi thăm nhau giá trị nhất. Hầu như ai cũng mong mỏi ít bệnh nhân nhưng lời mong mỏi, lời chúc đó hầu như chưa khi nào thành hiện thực”, bác sĩ Phúc bày tỏ.
Trong những ngày Tết, ngay cả trong BV, tình thương, tình yêu của con người dành cho nhau dường như được bộc lộ rõ hơn. Trực Tết ở BV, với các bác sĩ giao thừa qua lúc nào họ cũng chẳng hay bởi khi đó họ đang tập trung cao độ dưới ánh sáng của đèn mổ giành giật sự sống cho bệnh nhân. Họ đã dành hết tâm sức, thời gian đón Tết cùng gia đình cho những ca bệnh của họ. Bởi với họ, nếu năm nào trong những ngày Tết mà BV ít bệnh nhân, hay bệnh nhân đã trải qua thời khắc nguy kịch thì năm đó, mùa xuân an lành đã đến với mỗi nhà trong những ngày đầu xuân…