Kinh tế có bước phục hồi
Một trong những kết quả đạt được, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 9 tháng năm 2013 là 4,63%, dự báo cả năm khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%). Năm 2013, thu ngân sách khó khăn, tổng thu ước đạt 96,9%, tổng chi ước đạt 100,8% dự toán. Bội chi khoảng 5,3% GDP. Nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn...
Thủ tướng cũng đánh giá: “Kinh tế có bước phục hồi. Đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên... Trong 9 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại”. Tái cơ cấu kinh tế được Chính phủ đánh giá đã đạt kết quả bước đầu.
Chính phủ cũng nhận định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, an sinh xã hội vẫn được bảo đảm; đời sống nhân dân có bước cải thiện.
Riêng trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thực hiện nhiều giải pháp tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Trong gần 3 năm qua, thanh tra đã phát hiện 319 vụ việc với 517 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra 111 vụ và 235 cá nhân; xử lý trách nhiệm 52 người đứng đầu.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu; triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm; cải cách thể chế chưa đồng bộ; lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém; giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch…
Năm 2014, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ sẽ tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013 .
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế
Trong nhiều giải pháp Chính phủ đưa ra, đáng chú ý là “kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng; điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Tăng dự trữ ngoại hối; thúc đẩy phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm”.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xác định tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, các quy hoạch và đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và kịp thời rà soát, bổ sung; thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược...
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: “Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”; dự kiến có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch”.
Về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, theo Ủy ban Kinh tế, cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển với định hướng ưu tiên vào các ngành sản xuất và nông nghiệp để hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý và mục tiêu việc làm; đồng thời cần điều hành linh hoạt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường, kể cả thị trường bất động sản; quan tâm nhiều hơn đến phát triển thị trường trong nước; tạo chuyển biến rõ nét tình trạng hàng hóa tồn kho và nợ xấu.
Một giải pháp khác cũng được chú trọng đó là tập trung hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước sau khi Hiến pháp 1992 (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và một số luật khác được ban hành.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người có công, người nghèo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tạo việc làm. Xem xét, đề xuất giảm bớt đầu mối, bộ máy quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các chương trình liên quan đến giảm nghèo, an sinh xã hội.
Theo Chương trình, các báo cáo về kinh tế - xã hội sẽ được Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ vào ngày 24/10 tới.