Trở lại huyện Đơn Dương vào một ngày cuối năm, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của miền quê nằm về phía Nam Tây Nguyên. Những cánh đồng rau xanh ngắt, những con bò vàng to béo đang phơi mình trong nắng gió đại ngàn.
Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình sản xuất giỏi tại địa phương, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng – cho hay, không ít hộ gia đình đồng bào DTTS đã thoát nghèo nhờ sử dụng đồng vốn ưu đãi tạo điều kiện khai thác được những lợi thế của địa phương.
Tại thôn Đạ Ron, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, chúng tôi đã đến thăm trại nuôi bò sữa của gia đình bà KTéts (dân tộc K’ho). Năm 2015, nhờ sự tín chấp của Hội Phụ nữ xã, bà KTéts được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện. Từ số tiền 30 triệu đồng vay ban đầu, bà KTéts mua 2 con bò sinh sản, một năm sau, đôi bò mẹ đẻ 2 con bê.
Bằng nguồn vốn tích lũy dành dụm, bà mạnh dạn vay thêm nguồn vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm để xây chuồng trại, trồng cỏ voi, mua con giống, chuyển sang nuôi bò sữa. Đến nay, trại bò nhà bà đã có 12 con bò từ 4 - 5 tuổi, mỗi ngày vắt được khoảng 60 lít sữa tươi sạch, mang lại một khoản thu khá lớn đối với một hộ đồng bào DTTS nghèo trên cao nguyên xa xôi.
Trong tổng số 28 hộ đồng bào DTTS do phụ nữ làm chủ hộ ở thôn Đạ Ron, không chỉ bà KTéts mà tất cả đều sử dụng vốn vay chính sách xây dựng mô hình chăn nuôi bò trang trại, gia trại. Từ nguồn vốn vay cùng sự đồng hành của Hội Phụ nữ địa phương, mô hình chăn nuôi bò tại thôn Đạ Ron đã thực sự phát huy hiệu quả, nâng tổng số đàn bò lai sin, bò sữa là 155 con, tổng trị giá trên 3 tỷ đồng, tạo động lực cho đồng bào DTTS nâng cao cuộc sống, làm giàu chính đáng.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Ròn, bà Đinh Thị Minh Hoàn chia sẻ: “Những năm trước đây, phụ nữ nơi đây chỉ quanh quẩn làm rẫy trồng mỳ, nhưng từ khi nhờ vay dễ dàng nguồn vốn ưu đãi đã phát triển nghề nuôi bò lai sin, bò vắt sữa khá tốt, đạt thu nhập trên dưới 30 triệu đồng/năm/hộ. Nhận biết tác dụng của đồng vốn ưu đãi, các chi hội phụ nữ trong xã đẩy mạnh xét chọn hộ gia đình và đề xuất với NHCSXH huyện hỗ trợ cho chị em phụ nữ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh NHCSXH cho vay vốn, các cấp, các ngành trên cao nguyên Đơn Dương còn tuyên truyền, vận động hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS không ngừng học hỏi những cách làm hay, những mô hình hiệu quả để ứng dụng vào thực tế sản xuất của từng gia đình, từng địa phương, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.
Nổi bật nhất là mô hình đưa cây rau màu xuống chân ruộng lúa năng suất thấp của Hội Nông dân xã Lạc Lâm với 29 thành viên tham gia. Vụ mùa năm 2017, tổng diện tích xuống giống là 24ha, cây trồng chính là cà chua, su su, ớt, tía tô. Tổng sản lượng thu hoạch trên 500 tấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 62 triệu đồng/ha.
Thông qua các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, trong đó có gần 300 tỷ đồng của 12 chương trình tín dụng đã giúp cho nhiều hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, nâng cao cuộc sống, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đơn Dương xuống còn 20,18% và là địa phương giảm nghèo nhanh nhất, cao nhất ở tỉnh Lâm Đồng.
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác giảm nghèo, huyện Đơn Dương sẽ tập trung nguồn lực, trong đó chủ động tiếp nhận tăng trưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đổi mới phương thức đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tăng vốn vay cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến về ý thức, khơi dậy tinh thần chủ động vươn lên của cán bộ, nhân dân trong việc sử dụng nguồn vốn chính sách thực hiện công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế.