Đồn đoán quanh chuyện giám đốc tình báo quân sự Nga qua đời

Trung tướng Igor Korobov
Trung tướng Igor Korobov
(PLO) - Thông tin Trung tướng Igor Korobov, Tổng cục trưởng Cục tình báo quân sự Nga (GRU), qua đời được Bộ Quốc phòng Nga công bố trong tuần qua đã một lần nữa xới lên những cáo buộc nhằm vào cơ quan tình báo của Nga cũng như những tin đồn về cái chết của ông.

Thông tin bất ngờ

2h sáng 22/11 (23h00 GMT ngày 21/11), Bộ Quốc phòng Nga phát đi thông cáo cho biết Giám đốc GRU Korobov đã qua đời. Theo tuyên bố của giới chức Nga, ông Korobov qua đời vì bệnh nặng và kéo dài – thuật ngữ thường được dùng để chỉ bệnh ung thư. 

“Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang của Nga, Tổng Cục tình báo quân sự Nga vô cùng thương tiếc báo tin rằng vào ngày 21/11/2018, sau một thời gian bị bệnh nặng và kéo dài, người đứng đầu GRU, Phó Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng  Korobov Igor Valentinovich đã qua đời ở tuổi 63”, thông cáo cho biết. 

Điện Kremlin đã gửi lời chia buồn tới gia đình ông Korobov, ca ngợi ông là “người con thực thụ của nước Nga”. “Ký ức về Tướng Korobov Igor Valentinovich, một con người tuyệt vời, một người con thực sự của nước Nga, một người yêu nước, sẽ còn mãi trong tim chúng ta. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè ông”, tuyên bố của Điện Kremlin dành những lời tốt đẹp để nói về vị tướng vừa qua đời.

Ông Igor Korobov sinh ngày 3 /11/1956, từng theo học ở Học viện Quân sự của quân đội Liên Xô. Ông bắt đầu phục vụ trong quân đội Liên Xô từ năm 1973 với vai trò một phi công trong lực lượng không quân của nước này.

Đến đầu những năm 1980, ông được chọn vào làm việc trong ngành tình báo quân sự của Liên Xô và kể từ đó đã trải qua nhiều vị trí khác nhau trong GRU. Trong đó, có một thời gian ông được giao giữ chức người đứng đầu bộ phận tình báo chiến lược, phụ trách việc thu thập thông tin về những mối đe dọa quân sự với nước Nga và quản lý các điệp viên của Nga trên khắp thế giới. 

Trước khi trở thành người đứng đầu GRU, ông Korobov từng là nhân vật thứ hai tại cơ quan này. Ông có thể nói nhiều thứ tiếng và từng được trao nhiều giải thưởng, huy chương của nhà nước Nga cho những cống hiến của mình.

Vào năm 2016 ông được Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng GRU kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của cơ quan này trong các chiến dịch chống các lực lượng khủng bố ở Syria. Năm 2017, ông được trao danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga, danh hiệu cao quý nhất do Nhà nước Nga trao tặng.

Cơ quan “có tiếng tăm”

Ông Korobov giữ vai trò lãnh đạo GRU ở thời điểm cơ quan này trở thành mục tiêu chỉ trích của các chính trị gia chống Nga. Ở nước ngoài, GRU cũng bị phương Tây cáo buộc đứng sau hàng loạt những vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu quốc tế.

Giới chức Anh cho rằng cơ quan này đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái của ông ở thị trấn Salisbury của Anh. Trang web Bellingcat cũng cho rằng hai người đàn ông người Nga bị cáo buộc có liên quan đến vụ việc là các sỹ quan của GRU. Trong khi đó giới chức Nga khẳng định hai người này chỉ là những người dân bình thường.

Chính phủ Hà Lan hồi tháng 10 cũng cáo buộc GRU đã âm mưu tấn công hệ thống máy tính của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) - tổ chức giám sát vũ khí hóa học trên toàn cầu. Cùng ngày, Anh tố rằng GRU có liên quan đến một chiến dịch tấn công mạng quy mô toàn cầu, trong đó có vụ tấn công mạng nhằm vào Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ năm 2016. 

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/7 đã quyết định truy tố 12 sĩ quan tình báo quân sự Nga là thành viên của GRU về cáo buộc xâm nhập vào hệ thống mạng của đảng Dân chủ năm 2016. Những cáo buộc này đã khiến ông Korobov trở thành một trong những mục tiêu của các biện pháp trừng phạt chống Nga do Mỹ áp đặt.

Trong đó, hồi tháng 3/2018, ông đã bị đưa vào danh sách trừng phạt về tài chính do Bộ Tài chính Mỹ áp đặt vì cáo buộc tấn công mạng nhằm vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ đầu năm 2016.

GRU là một trong ba cơ quan tình báo của Nga, cùng với Cơ quan tình báo nước ngoài (SVR) và Cơ quan an ninh (FSB). Được thành lập vào năm 1918, GRU có mạng lưới gián điệp rộng lớn ở nước ngoài và lực lượng đặc biệt từng tham gia nhiều cuộc chiến như ở Afghanistan và Chechnya.

Tuy nhiên, vai trò của GRU dưới thời Liên Xô bị lu mờ trước Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) dù lịch sử cho thấy cơ quan này đã hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ cho ngành tình báo Nga. 

Giới chức phương Tây vẫn luôn tin rằng các đặc vụ của GRU đang hoạt động với vai trò là nhân viên của các đại sứ quán Nga ở nước ngoài. Chính vì vậy nên chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016 đã trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay Chính phủ Anh hồi đầu năm cũng đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh. 

Năm 2008, GRU bị chỉ trích hoạt động không hiệu quả, đặc biệt là trong cuộc xung đột Georgia. Tổ chức này sau đó đã phải trải qua quá trình “cải tổ”, giảm số lượng nhân viên xuống còn 1.000 người và giảm số đơn vị trực thuộc từ tám xuống còn năm đơn vị. Ngân sách dành cho GRU cũng bị cắt giảm đáng kể.

Song, khoảng thời gian khó khăn trên không kéo dài quá lâu. GRU đã lấy lại được uy tín của mình sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Năm 2010, cơ quan này chính thức được đổi tên thành Tổng cục tình báo Nga (GU) trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga nhưng người ta vẫn quen gọi nó là GRU. Hồi đầu tháng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị trả lại tên GRU cho GU.

Hiện nay, GRU được cho là đang có mạng lưới đặc vụ rất đông ở nước ngoài. “GRU luôn được xem là cơ quan có năng lực, mạnh bạo và mạo hiểm hơn KGB hay SVR”, ông Andrei Soldatov, một nhà phân tích về các hoạt động của tình báo Nga, nhận định.

Cơ quan này được cho là có vị thế đặc biệt trong hệ thống các cơ quan quân sự của Nga. Lãnh đạo của GRU là người báo cáo trực tiếp cho Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, một trong ba người có thể nắm trong tay hệ thống kiểm soát hạt nhân di động của nước Nga. 

Đài RT của Nga cho biết, bất chấp việc quan hệ giữa Mỹ và Nga ngày càng trở nên căng thẳng, ông Korobov và những người đứng đầu các cơ quan tình báo khác của Nga vẫn luôn tìm những cách thức để hợp tác với Washington. Hồi đầu năm nay, ông Korobov vẫn cùng một số quan chức của Nga thực hiện chuyến thăm chính thức đến Mỹ để thảo luận về vấn đề chống khủng bố với Giám đốc CIA lúc đó là ông Mike Pompeo.

Chuyến thăm đã khiến một số thượng nghị sỹ Mỹ nổi giận nhưng ông Pompeo đã bảo vệ quyết định tổ chức cuộc gặp với giới chức Nga vì cho rằng đây là bước đi cần thiết để tạo lực lượng tổng hợp trong chống khủng bố.

Xôn xao đồn đoán

Sau cái chết của ông Korobov, trên một số phương tiện truyền thông phương Tây đã dấy lên những đồn đoán cho rằng ông này thực chất bị sát hại vì cách xử trí vụ điệp viên Skripal. Song các quan chức của Nga đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

“Nếu nghe thấy ai nói hoặc viết những thứ cho rằng ông ấy đã bị giết vì vụ cha con điệp viên Skripal, đừng tin chuyện đó. Ông Korobov đã qua đời sau vài năm chống chọi với bệnh ung thư. Sự thực là ông ấy vẫn không từ bỏ làm việc cho đến tận khi trút hơi thở cuối cùng”, một quan chức Nga khẳng định.

Một số nguồn tin cho biết ông Korobov đã muốn xin từ chức từ hồi đầu năm nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị ông tiếp tục tại nhiệm cho đến ít nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra hồi tháng 3/2018.

Ông Korobov đã không có mặt tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập GRU hồi đầu tháng này có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều quan chức cấp cao khác của Nga. Tại buổi lễ, ông Putin cũng đã dành những lời tốt đẹp để tán dương những năng lực và kỹ năng “vô song” của GRU.

Ông Michael Carpenter, một cố vấn về các vấn đề về Nga cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, lưu ý việc người tiền nhiệm của ông Korobov đã qua đời hai năm trước vì bị đau tim. “Tuổi thọ trung bình của những người đảm nhiệm công việc này khá thấp, thấp hơn mức trung bình của người Nga”, ông Carpenter cho biết.

Theo Ngân hàng thế giới, tuổi thọ trung bình của người Nga là 67 tuổi. Có thể nhận định này của ông Carpenter không sai nếu tính đến những áp lực mà những người đảm nhận vị trí người đứng đầu của cơ quan tình báo tinh nhuệ của Nga phải đảm nhận.

Sau khi ông Korobov qua đời, cấp phó của ông là Phó Đô đốc Igor Kostyukov đã được bổ nhiệm giữ chức quyền Giám đốc GRU. Ông Kostyukov, năm nay 57 tuổi, đang được xem là ứng viên tiềm năng sẽ chính thức tiếp quản vị trí của ông Korobov. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.