Theo AFP, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Triều Tiên khóa XIV diễn ra ngày 11/4, ông Choe Ryong Hae đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, thay thế ông Kim Yong Nam – người đã giữ chức vụ này gần 20 năm qua.
Chức Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên mặt kỹ thuật được coi là nguyên thủ quốc gia của nước này, đại diện cho Bình Nhưỡng tại các sự kiện ngoại giao.
Sinh năm 1950, ông Choe được xem là “cánh tay phải” của ông Kim Jong Un và thường được đề cập đến với biệt danh “quan chức số 2” của Triều Tiên.
Một số thoogn tin cho rằng một trong những người con trai của ông Choe đã kết hôn với bà Kim Yo Jong – người em gái quyền lực của ông Kim Jong Un.
Ông Choe từng dẫn đầu các đoàn thanh niên của Triều Tiên trong những chuyến thăm thiện chí đến Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Libya và Hy Lạp vào những năm 1980, trước khi được thăng chức làm thành viên Ủy ban Quân sự Trung ương của đảng Lao động Triều Tiên.
Ông Choe hiện là người đứng đầu Ban Tổ chức và Hướng dẫn của Đảng Lao động Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng, việc bổ nhiệm ông Choe cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành cuộc thay đổi thế hệ lãnh đạo, đặc biệt là sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra ở Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua kết thúc mà không có thỏa thuận.
Ngoài việc được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên, ông Choe còn được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Triều Tiên – cơ quan ra quyết định cao nhất của nước này.
Ông Cheong Seong-chang - một nhà phân tích tại Viện Sejong ở Seoul - cho biết, điều này sẽ cho phép ông Choe làm việc với các nhà ngoại giao quan trọng của Bình Nhưỡng.
Những người này bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho, Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Bình Nhưỡng Kim Yong Chol -những người cũng được bầu vào Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên.
“Ông Kim Yong Nam khi giữ tư cách là nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên chưa từng giữ bất kỳ vai trò nào trong Ủy ban quốc vụ. Nhưng vị trí của ông Choe với tư cách là Phó chủ tịch của Ủy ban này và là nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên sẽ có nhiều quyền lực hơn trong việc lãnh đạo nhóm các quan chức phụ trách ngoại giao của Bình Nhưỡng”, ông Cheong Seong-chang nhận định.
Vị chuyên gia cũng cho rằng việc các nhà ngoại giao quan trọng nói trên trở thành thành viên của Ủy ban quốc vụ Triều Tiên báo hiệu sự sẵn sàng tiếp tục các hoạt động ngoại giao của Bình Nhưỡng với các nước khác.