“Thà chặt nhầm còn hơn bỏ sót”?
Thầy Lý Quang Nhẫn, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng bày tỏ, sau đợt ra quân rầm rộ, thứ còn lại là sân trường nắng chói chang, những gốc cây trơ trọi trên nền sân xi măng, đám học trò ngơ ngác nhìn. Rồi đây, liệu phượng vĩ có vắng bóng trong sân trường? Bình thường, có ai ngờ hàng cây xanh rì, hoa đỏ ối, chất chứa bao kỷ niệm thuở cắp sách đến trường, tỏa bóng mát cho thầy trò trong mùa nắng nóng lại có ngày gây thảm họa cho học sinh?
Có phải các hiệu trưởng lo sợ trách nhiệm nên vội vã ra tay, thà chặt nhầm hơn bỏ sót? Nói có thì cần khảo sát đầy đủ. Nhưng, nói không thì không thật, trước hết với chính mình. Cũng là hiệu trưởng, tôi mong đồng nghiệp hãy lo liệu chứ đừng lo lắng thái quá mà vội đốn bỏ phượng vĩ”.
Tuần trước, khi sự việc đau lòng xảy ra, chúng ta đã xúc động vô cùng khi thầy hiệu trưởng nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi. Lẽ ra việc đó hết sức bình thường trong một xã hội văn minh và quan chức tử tế. Nhưng lại trở thành bất thường vì lâu lắm rồi, đặc biệt quá khi người thầy nhận ngay trách nhiệm về cái chết thương tâm của trò mình khi mà ông có thể viện nhiều lý do khác.
Có lẽ “Ai cũng gù, mình thẳng lưng” lại thành khác biệt! “Cây phượng trong trường đã có từ rất lâu, qua nhiều thế hệ và các nhiệm kỳ hiệu trưởng khác nhưng nó đổ ngay lúc này, dù cái cây ấy do ai quản lý thì tất cả đều thuộc trách nhiệm của tôi” - đó là câu nói của thầy Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng. Mọi người xúc động và ca ngợi câu nói ấy.
Điều này không làm dịu đi tai nạn thương tâm cho gia đình em học sinh đã mất và thương tật để lại cho các em học sinh khác, nhưng nó làm cho lòng người có niềm tin hơn vào điều tử tế. Thực ra trách nhiệm thầy Phúc nhận là lẽ đương nhiên, mọi vấn đề xảy ra trong phạm vi quản lý của thầy, tốt hay xấu, mức độ nặng hay nhẹ thầy đều phải chịu trách nhiệm. Nhưng vì sao điều đương nhiên đó lại khiến lòng người rung động?
Quá lâu rồi, trường học là nơi chốn để người ta đau lòng, để bất tin, thất vọng lẫn tuyệt vọng. Cho nên chuyện lẽ ra đương nhiên nó phải thế thuộc về trách nhiệm lại trở nên đáng quý vô cùng… Gương mặt thầy Phúc, câu nói của thầy Phúc vang lên, rung động trong chốc lát rồi lại chìm nghỉm như sỏi rơi xuống mặt hồ rộng mênh mông.
Đằng sau câu chuyện bi thương, ít ra, chúng ta vẫn tìm thấy được niềm tin từ ông hiệu trưởng. Với chừng ấy nhà sư phạm như ông thì học trò khi lớn lên chưa chắc sẽ giỏi nhưng chắc sẽ được dạy làm người có trách nhiệm.
Và đúng như dự đoán của nhiều người, lo ngại rồi đây những hàng phượng vĩ trong sân trường liệu có vì một cây gây tai họa mà triệt phá tất thảy những cây phượng khác đã thành sự thật. Những tấm ảnh báo chí và mạng xã hội đăng về chặt đầu cây xanh hiện nay, có cả hình chặt đầu hàng loạt cây ở giảng đường phượng vĩ của Đại học Nông lâm TP HCM (Các cựu sinh viên của Trường này cho biết, ngôi trường có các giảng đường hầu hết mang tên các loài cây và hoa).
Nghĩa là Trường Nông lâm, nơi hội tụ các chuyên gia về ngành này mà còn lao vào chặt đầu cây thì hỏi các nơi khác làm gì? Điều đáng buồn, cây cối là các sinh vật im lìm, chúng không thể tự vệ.
Nếu sân trường không còn những hàng cây, thầy cô không thể đi dạy cho trẻ con về tinh thần nhân bản, về yêu quý và bảo vệ môi trường và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, khi có những thầy cô ra lệnh tàn sát cây xanh. Không thể có một trường học tốt nào mà trơ khấc toàn bê tông và người, không có hồn cây cỏ.
Hãy tha thứ cho phượng
Trong khi với một số người tìm cách đổ lỗi cho cây phượng, hay hoài nghi về các quy định cây xanh hiện nay, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, việc triệt hạ cây xanh là sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm cho tương lai. Có người đặt ra câu hỏi nên hay không nên trồng cây phượng, cây bàng… trong trường học? Tôi khẳng định, nước ta có đầy đủ các tiêu chuẩn về cây xanh trong các khu vực đô thị, trường học.
Cụ thể: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế. Trong đó, có quy định cây xanh trường học chọn là các cây lâu năm, có bóng mát và được kiến nghị trồng các cây: Bàng, phượng, muồng ngủ, muồng hoa đào, riềng riềng, hồng...
Phượng vĩ ngoài giá trị là cây cảnh, còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới. Nhược điểm lớn nhất của cây phượng là tuổi thọ không cao, cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ chỉ đạt 40-50 năm. Về nguyên nhân cây phượng bị đổ trong thời gian qua, GS.TS Trần Văn Chứ cho biết, các nguyên nhân tác động từ phía con người: Trường mới xây dựng thì muốn cho đẹp mắt ngay nên trồng cây lớn, rễ cái, cành to bị cắt, hay bị xước vỏ thì đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng.
Trường đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây, toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và lâu dần sẽ chết dần. Việc xây bồn xung quanh gốc khiến thông khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây.
Trong bối cảnh mà mảng xanh ngày càng ít đi thì một sân trường vắng bóng cây xanh càng làm cho không gian thêm buồn. Với những cây trồng mới, ngoài cây phượng có thể trồng cây bàng hoặc cây viết… để đảm bảo an toàn hơn. Trước mắt, để an toàn, các trường có thể mé cành, tỉa nhánh và làm các trụ đỡ bằng sắt xung quanh cây cho phù hợp.
Thầy Chứ nhấn mạnh: Vẫn hiểu tâm lý “Chim sợ cành cong, người một lần bị tổn thương cả đời e sợ” - Trong Truyện cung thủ không cần dùng tên mà vẫn bắn chết chim hay ngạn ngữ Phương Đông có câu: “Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng” cũng như biết rằng không gì bù đắp được nỗi đau cho gia đình cháu bé nhưng khách quan mà nói thì cây xanh không có lỗi. Cách hành xử nêu trên ở nhiều trường là cách giải quyết vấn đề “giận quá, mất khôn”. Có những điều kiện để phát triển cho tương lai, chúng ta cũng phải đánh, chuyển cây, thậm chí phải chặt. Nhưng phải cân nhắc và tính toán kỹ.
Bởi dù trồng cây gì? Theo năm tháng, theo tuổi cây, cây cũng sẽ chết theo đúng quy luật: Sinh, lão, bệnh, tử! Nhưng nếu chúng ta nâng niu, chăm sóc cây như con, khoa học từ lúc trồng, chăm sóc,... cây sẽ không phụ chúng ta!
Nhà giáo Trần Mộng Long bày tỏ, quê tôi khi gió lớn, từng có cây đổ gây sập nhà, chết người không ít lần, nhưng chưa hề thấy ai nộ khí xung thiên đến mức chặt hết cây. Một con bò húc chết người, dân quê cũng không ngu đến mức giết sạch đàn bò để tránh hậu họa. Còn ở đây, việc chạy trốn trách nhiệm bằng một cuộc tàn phá cây xanh như các nhà quản lý giáo dục hiện nay. Chẳng hạn, rừng gây lũ lụt, sạt lở thì phá rừng, động vật ăn thịt người hay phá hoại mùa màng thì giết sạch động vật, sông gây chết đuối trẻ em thì lấp hết sông...
Đồng quan điểm, nhà giáo Vinh Lê thẳng thắn: Hàng loạt cây phượng trong trường học gục xuống. Màu hoa đỏ tung tóe trên mặt đất. Cư dân mạng đã kêu lên, đã nổi giận và có cả tuyệt vọng về một điều gì đó đang diễn ra trong trường học. Mới đây, xã hội chứng kiến một số kẻ nâng điểm thi vào đại học nhảy lên reo mừng vì “thoát án” thì thêm một lần nữa trường học đã sụp đổ. Lẽ ra, tội đó phải dằn vặt lương tâm họ suốt đời.
Lý do gì dẫn đến cuộc thảm sát văn hóa này? Đó là thói vô trách nhiệm, đó là sự ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình và đó là sự bạc nhược… Sự thật đã có một cái cây đổ vô tình đã gây ra hậu quả đau buồn. Thay vì người ta tìm cách ngăn chặn trường hợp tương tự có thể xảy ra thì người ta tiến hành một cuộc thảm sát những cái cây để tránh hậu họa.
Cách quản lý giáo dục theo kiểu tự phát, đánh cờ nước một, làm không suy nghĩ sẽ đưa nền giáo dục nước nhà về đâu? Quản lý giáo dục khi gặp sự cố chỉ nghĩ tới co mình giữ thân hay thực hiện những việc làm thái quá không khoa học liệu có phải là những nhà giáo dục chân chính, hết lòng vì trò, tận tâm với thế hệ trẻ?
Cây phượng vĩ, cây bàng hay cây bằng lăng gắn bó với tuổi học trò của nhiều thế hệ trong cả nước. Cây đổ gây sự cố không phải do cây gây ra mà lỗi chính là do con người, trong đó người đứng đầu trong mỗi trường học phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng xin đừng vì sợ trách nhiệm mà hủy hoại cây xanh, hủy hoại biểu tượng gắn liền với tuổi học trò.