Chỉ vì thương con, giúp con không đúng cách, vợ chồng Cương sắp phải đứng trước vành móng ngựa để trả giá.
Vợ chồng bị can Cương và con trai Nguyễn Tiến Hoàng (giữa) |
Túng quá hóa liều
VKSND thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Tiến Cương (SN 1955) và vợ là Phạm Thị Hòa (SN 1956, cùng ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo buộc, năm 2006, bố mẹ Cương tách thửa đất gia đình đang ở thành hai mảnh. Một mảnh đứng tên họ, mảnh còn lại đứng tên Cương. Tuy nhiên, đến tháng 2/2008, cha mẹ Cương lại cho Nguyễn Tiến Hoàng (con trai Cương) thừa kế mảnh đất trên. Sau khi đứng tên sổ đỏ mảnh đất ông bà nội cho, Hoàng đã dùng nó để lừa đảo, vay tiền nhiều người.
Tài liệu điều tra thể hiện, do cần tiền kinh doanh nên từ tháng 4/2008 đến đầu tháng 12/2009, Nguyễn Tiến Hoàng, Nguyễn Tiến Cương và Phạm Thị Hòa đã thế các mảnh đất trên cho ngân hàng để vay vốn rồi giải chấp. Sau khi được các ngân hàng giải chấp, ba người đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Có được ít vốn, Hoàng tiếp tục đầu tư kinh doanh. Nhưng càng đầu tư làm ăn, Hoàng càng thua lỗ. Nghĩ cách có vốn tiếp tục kinh doanh, Hoàng đành làm liều vì không còn tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng nữa.
Để có thể vay tiền của những người dân thường, Hoàng nảy sinh ý định làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả. Đầu tháng 7/2009, Hoàng gặp và thuê một đối tượng tên Tùng (hiện không xác minh được nhân thân và địa chỉ cụ thể) làm giả cho Hoàng sổ đỏ của các thửa đất do anh ta và cha mẹ đứng tên và làm giả “sổ hồng” nhà, đất ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng).
Việc làm giả giấy tờ trên, Hoàng không cho cha mẹ biết. Khi có 9 sổ đỏ giả và 3 sổ hồng giả trong tay, Hoàng bắt tay vào thực hiện kế hoạch lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cả gia đình vướng vòng lao lý
Sau đó, Hoàng đã bàn với cha mẹ là sẽ sử dụng các sổ hồng, sổ đỏ giả này mang thế chấp vay tiền. Khi người cho vay tiền xác minh thông tin về tài sản thế chấp, ông Cương và bà Hòa sẽ xác nhận nguồn gốc nhà đất đã ghi trên sổ đỏ giả, sổ hồng giả là của gia đình, chưa cầm cố, thế chấp. Để giúp con có tiền kinh doanh, gỡ vốn, vợ chồng ông Cương đã nhận lời. Họ sẵn sàng đồng phạm với con trai để lừa cả người thân.
Cụ thể, đầu tháng 7/2009, Hoàng nhờ ông nội hỏi vay 300 triệu đồng của anh Nguyễn Tiến Anh (chú họ) để làm vốn kinh doanh. Anh Tiến Anh đồng ý với yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Ngày 8/7/2009, Hoàng cùng cha mẹ và ông nội mang 2 sổ đỏ giả tới nhà anh Tiến Anh để vay tiền. Tại đây, Hoàng và cha mẹ cùng ký tên dưới mục bên vay tiền trên giấy biên nhận vay tiền.
Khoảng một tháng sau, Hoàng tiếp tục tới cửa hàng cầm đồ của chị Nguyễn Thị Hồng Tâm (quận Bắc Từ Liêm) thế chấp sổ đỏ giả vay 300 triệu đồng. Gần 1 tháng sau, Hoàng tiếp tục hỏi vay chị Tâm 300 triệu đồng, thế chấp bằng sổ đỏ giả. Để được vay lần này, Hoàng đã đưa cha mẹ tới gặp chị Tâm, sau đó dẫn về xem nhà, đất.
Do có sự bàn bạc, đồng thuận với Hoàng từ trước nên dù biết hành vi của Hoàng là vi phạm pháp luật nhưng cha mẹ anh ta vẫn nhận lời giúp con. Theo đó, vợ chồng Cương cùng khẳng định với chị Tâm thửa đất Hoàng dẫn chị Tâm về xem là đất của gia đình, đã được cấp sổ đỏ và chưa cầm cố, thế chấp…
Cơ quan chức năng xác định Hoàng đã sử dụng sổ đỏ giả, sổ hồng giả thế chấp vay tiền của 10 trường hợp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Trong đó, Cương và Hòa giúp sức cho Hoàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 bị hại với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Với hành vi này, ngày 30/7/2010, Hoàng bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Khi con trai bị bắt, đưa ra xét xử, ông Cương và bà Hòa vội vã bỏ trốn. Gần 6 năm sau ngày bị phát lệnh truy nã, ngày 8/12/2016, cặp vợ chồng này đã tới cơ quan công an đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, ông Cương và bà Hòa khai có được con trai nói cho biết sẽ dùng các sổ đỏ và sổ hồng giả mà anh ta thuê người làm trước đó với mục đích thế chấp, tạo lòng tin với người cho vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của họ. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Hoàng sử dụng trả nợ và chi tiêu cá nhân hết. Họ không được sử dụng một đồng nào. Xét thấy ông Cương và bà Hòa là bố mẹ đẻ của Hoàng, cả hai đã tuổi cao, sức khỏe yếu, giúp sức bị cáo Hoàng nhưng không được hưởng lợi, các bị can lại thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội; xét tính chất nhân đạo trong xử lý hình sự nên cơ quan điều tra chỉ xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà không xử lý ông Cương và bà Hòa về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.