Độc đáo thúng chai trét… phân bò!
Khoảng 5 năm trở về trước, nghề đan thúng chai ở thôn Phú Mỹ tuy không làm giàu, nhưng giúp người làm nghề có cái ăn, có việc làm quanh năm. Thời ấy, ở Phú Mỹ có hơn 40 hộ làm nghề, với hơn 120 lao động có thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Thế nhưng bây giờ, làng nghề đang dần mai một, chỉ còn vài hộ bám nghề vì ít đơn đặt hàng. Trong khi đó, chi phí đầu tư sản phẩm tăng cao, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt với thúng làm bằng nhựa, nhiều người đã bỏ nghề đi nơi khác để bươn chải cuộc sống.
Trong khi nhiều hộ đã bỏ nghề đan thúng chai thì ngược lại vợ chồng anh Trung vẫn mặn mà với nghề suốt 15 năm qua. Công việc của vợ chồng anh không những góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống làng nghề ở địa phương mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống gia đình.
Anh Trung đang thực hiện công đoạn lận vành thúng chai |
Theo anh Trung, để làm được một chiếc thúng chai giao đến tận tay khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có những người thợ đảm nhận ở từng khâu. Trước hết, người thợ chặt tre phải chuyên nghiệp, chọn loại tre mỡ già độ 60% trở lên, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông càng tốt.
Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 đến 5 nắng. Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền càng tăng cao.
Sản phẩm thúng chai Trung Kiều chờ xuất bán |
“Đan xong rồi lận vành. Vành thúng phải chọn nan chẻ từ cây tre đực, cứng chắc. Khi lận vành thúng, tôi đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm, làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng, thẩm mỹ.
Sau lận là dùng dây cước nức vành. Công đoạn tiếp theo là trét phân bò đều vào từng kẽ nan, phơi khô rồi quét dầu rái để chống thấm. Thông thường phải trét bên trong 3 nước, bên ngoài 3 nước thì chiếc thúng mới hoàn hảo”, anh Trung chia sẻ.
Từ buôn bán nhỏ lẻ, hiện vợ chồng anh Trung đã lập cơ sở thúng chai Trung Kiều. Công việc của vợ chồng anh dường như làm quanh năm. Ngoài ra, họ còn đặt thợ làm thêm khi có nhiều đơn đặt hàng và thu mua thúng của bà con trong thôn làm ra. Điều vợ chồng này hơn các hộ trong làng là lúc nào cơ sở cũng chứa đầy ắp thúng chai trong nhà, chưa kể thúng vừa làm xong phơi ở đường làng.
Vươn ra thế giới
Theo anh Trung, giá mỗi chiếc thúng chai được bán ra thị trường dao động từ 1,2 - 4 triệu đồng, tùy theo đơn đặt hàng, kích cỡ và vào số nan. Trước khi bán thúng cho khách, vợ chồng anh đều kiểm tra kỹ, phát hiện một lỗi dù là rất nhỏ cũng đổi thúng khác cho khách hoặc đan chiếc thúng mới. Chính nhờ sự tỉ mỉ và chữ tín đặt lên hàng đầu mà những chiếc thúng của cơ sở thúng chai Trung Kiều “bay” ra tận các tỉnh phía Bắc, vào tận miền Tây rồi sang cả châu Á, châu Âu.
“Từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ thúng chai rất lớn do đang vào mùa bắt tôm hùm giống, câu tôm, rồi đến mùa câu cá ngừ đại dương. Bạn hàng các nơi gọi điện đặt hàng liên tục. Cơ sở của tôi thường mua nguyên liệu số lượng lớn rồi về phân cho các hộ khác cùng làm để kịp thời cung ứng cho khách”, anh Trung cho biết.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Kiều khoe, cơ sở của chị vừa cung cấp cho các công ty xuất khẩu, vừa bán khách hàng lẻ trong nước dao động từ 50 - 60 chiếc mỗi tháng. Vợ chồng chị cũng có “máu liều”, vậy nên lúc nào cũng có hàng sẵn, vì bỏ vốn ra trước cả trăm triệu đồng để làm nên tồn kho rất nhiều. Do vậy, khi khách hàng gọi điện thoại cần bao nhiêu thúng là có hàng ngay.
Nhờ cách làm này, vợ chồng chị đã ký hợp động với các công ty ở TP Hồ Chí Minh chuyên xuất khẩu đồ truyền thống, trong đó có thúng chai, chủ yếu phục vụ cho ngành du lịch sang các nước Hà Lan, Trung Quốc, Singapone, Úc…
Cơ sở thúng chai Trung Kiều còn là nơi để các công ty du lịch lữ hành trong nước thường xuyên dẫn khách nước ngoài như Thụy Điển, Anh, Pháp, Nga… tới tham quan và quảng bá. Nhờ vậy, tiếng tăm ngày càng vang xa và đôi vợ chồng này rất từ hào vì giữ được nghề truyền thống làm thúng chai của cha ông.
Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND xã An Dân cho biết, nếu như trước đây làng nghề thúng chai Phú Mỹ thu hút khoảng 40 hộ tham gia thì nay chỉ còn 6 hộ, bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thúng nhựa. Trong các hộ còn làm nghề thì cơ sở thúng chai Trung Kiều đạt hiệu quả cao, bởi họ có “máu liều”. Sản phẩm của cơ sở này đã có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài nước./.