Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, hai ngành Thuế và Hải quan có mối quan hệ đặc biệt và xuyên suốt quá trình hoạt động của DN. Do tính chất hoạt động, ngành Thuế và Hải quan có tác động mạnh đến hoạt động của DN nhưng cũng chịu sự giám sát chặt chẽ nhất của cộng đồng các DN. Báo cáo khảo sát của VCCI năm 2017 đánh giá mức độ hài lòng của DN về ngành Thuế và Hải quan cho thấy, tỷ lệ DN hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập DN ngày càng tăng lên.
Cũng theo lãnh đạo VCCI, Bộ Tài chính được ghi nhận luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, nằm trong nhóm 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2017) và là Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2018). Thời gian nộp thuế và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá (năm 2017 còn dưới 111 giờ, giảm 420 giờ so với năm 2013; Thời gian giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016...).
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh: Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính; trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, trong thời gian qua, ngành Hải quan luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục từ khâu xây dựng thể chế đến tổ chức thực hiện. Trong đó, hoạt động nghiệp vụ hải quan ngày càng gắn liền với hoạt động của DN, hình ảnh công chức hải quan được cải thiện. Những chuyển biến này của ngành Hải quan đã được cộng đồng DN, dư luận xã hội đánh giá cao.
Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19 về chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN Việt Nam, cơ quan Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính và Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động XNK, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới.
Đặc biệt, để công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan có kết quả thiết thực và xây dựng mối quan hệ hợp tác với DN, những năm qua, ngành Hải quan nói chung, các cục hải quan địa phương nói riêng thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại để DN có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý XNK, thủ tục hải quan, tinh thần thái độ phục vụ của CBCC Hải quan khi thi hành công vụ.
Bằng biện pháp này, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các DN và nắm thêm được những thông tin bổ ích phục vụ công tác cải cách hành chính về hải quan, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những biểu hiện tiêu cực của CBCC các cấp. Sau mỗi hội nghị đối thoại với cộng đồng DN được Bộ Tài chính phối hợp với VCCI tổ chức hàng năm ở phía Bắc, phía Nam, những ý kiến tham gia của DN đã được nghiên cứu tiếp thu đưa vào văn bản mới về thủ tục hải quan và quản lý thuế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của DN thắc mắc về việc sử dụng hóa đơn điện tử, thời gian áp dụng và cách thức lưu trữ hóa đơn điện tử; vấn đề lệ phí trước bạ, quy định trần lãi vay 20% đối với giao dịch liên kết, thủ tục xuất hóa đơn, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, vấn đề hoàn thuế, chính sách thuế đối với XNK tại chỗ,... Đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của DN.
Dự kiến, sau Hội nghị tại Hà Nội, Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP HCM vào 30/11.