Vùng quê giàu truyền thống
Nằm ở đôi bờ của dòng Vĩnh Định, xã Hải Vĩnh được biết đến là vùng quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Sau ngày giải phóng, ruộng đồng Hải Vĩnh đầy rẫy hố bom, nhà cửa hoang tàn. Đến những năm đầu thế kỷ 21, con đường huyết mạch từ cầu Vĩnh Thắng đến chợ Phương Lang và nhiều tuyến đường liên thôn của xã mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bay mù trời. Cuộc sống người dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào cây lúa, năm được mùa năm mất nên chỉ đủ ăn. Với người dân Hải Vĩnh, nhà bê tông, đường nhựa dường như là thứ gì đó quá xa xỉ, ngay cả trong mơ ước.
Thế nhưng nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM như một luồng gió mới đưa Hải Vĩnh ngày nay trở thành điểm sáng về xây dựng NTM của tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hải Vĩnh tâm sự: Khi có chủ trương xây dựng NTM, lãnh đạo xã rất trăn trở, bởi xuất phát điểm của xã quá thấp, cơ sở hạ tầng yếu và thiếu, thu nhập người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước bối cảnh này, Đảng ủy xã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất chính là phát động toàn dân tham gia vào xây dựng NTM, bằng việc tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu mình vừa là chủ thể, vừa là những người trực tiếp hưởng lợi từ chương trình.
“Trong 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Từ đó đời sống nhân dân trong toàn xã từng bước được cải thiện”, ông Hưng cho biết.
Cùng với tuyên truyền, xã quán triệt tinh thần phát huy dân chủ ở cơ sở, nhiều nội dung được người dân tham gia giám sát, bàn bạc và cho ý kiến. Hầu hết các công trình xây dựng đều được chính quyền giao cho các khu dân cư trực tiếp
tổ chức thi công và giám sát. Trong số 19 tiêu chí yêu cầu phải thực hiện, những phần việc khó khăn nhất là liên quan trực tiếp tới người dân. Làm sao để bà con thay đổi cho được nếp suy nghĩ giản đơn, thói quen sản xuất manh mún, làm sao để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là bài toán khó chưa có lời giải. Nhưng bằng sự kiên trì thuyết phục, khéo léo vận động, lần lượt 19 tiêu chí đặt ra được hoàn thành. Nông thôn mới đã khoác lên Hải Vĩnh một chiếc áo mới, đem lại đời sống tinh thần lẫn vật chất cho người dân.
Đoàn thẩm định Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị làm việc với lãnh đạo chủ chốt xã Hải Vĩnh tháng 2/2019 |
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới thành công
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Hải Vĩnh Nguyễn Đức Thuyền cho biết, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM theo tinh thần người dân phát huy vai trò là người chủ của cộng đồng dân cư trên địa bàn xã là chính.
Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện. Xác định điểm mấu chốt trong xây dựng NTM là nâng cao thu nhập của nhân dân, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một cách rõ rệt...
“Chúng tôi xây dựng NTM bằng quyết tâm cao, nhưng không nóng vội và chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân. Muốn xây dựng NTM phải bắt đầu từ việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng năng suất cây trồng”, ông Thuyền chia sẻ.
Ông Thuyền cũng cho biết thêm, UBND xã đã ban hành chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế như: Sen-cá, quy hoạch vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây ném ở vùng cát, cây ớt ở Lam Thủy. Quy hoạch sản xuất cánh đồng lớn 105 ha, lúa chất lượng cao hơn 600 ha. Phát triển đàn bò lai và đưa các giống con nuôi mới như vịt trời thuần chủng vào thử nghiệm, duy trì các mô hình nuôi gà, thỏ. Vận động nhân dân áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường để hạn chế dịch bệnh.
Ngoài chính sách của UBND xã, các HTX cũng ban hành nhiều chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp như: Cho vay không lãi suất một phần vốn để cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp, máy cày đa năng với số tiền 750 triệu đồng, vận động nhân dân giải tỏa các vườn tạp ở vùng cát và tổ chức quy hoạch trồng các loại rau màu chuyên canh có hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã Hải Vĩnh cũng quan tâm phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Công tác đào tạo nghề được chú trọng; xã đã phối hợp với trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, trạm khuyến nông và trạm BVTV huyện Hải Lăng mở 13 lớp sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi thú y cho 325 học viên, các HTX cũng phối hợp với các công ty mở 03 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên HTX. Nhờ vậy tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã tăng lên 51,18%.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2012-2018, xã Hải Vĩnh đã huy động được 71,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 27,4 tỷ đồng, con em của quê hương sinh sống trong và ngoài nước ủng hộ 6,83 tỷ đồng. Đây là những con số rất ấn tượng, là niềm tự hào của bà con xã nhà.
Về cơ sở hạ tầng, ấn tượng nhất là các trường học từ bậc mầm non đến cấp trung học cơ sở đều được xây dựng khang trang, tất cả đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Từ chỗ thiếu ăn, đến nay thu nhập bình quân đầu người của người dân Hải Vĩnh đạt 36,1 triệu đồng/năm. Điều này thể hiện quyết tâm tiếp nối truyền thống hiếu học, coi trọng sự nghiệp trồng người của Đảng bộ, nhân dân Hải Vĩnh.
Về Hải Vĩnh hôm nay, ai nấy đều dễ dàng chứng kiến bộ mặt NTM mang màu sắc hiện đại, giàu có. Đó là không còn những con đường đất lầy lội, học sinh không còn phải học trong những ngôi trường xuống cấp, học ghép lớp nữa… Thay vào đó là những mái trường mới khang trang, những con đường làng được bê tông hóa, nhà cửa được xây dựng kiên cố... Thật không quá lời khi nói rằng Hải Vĩnh “thay da đổi thịt” quá nhanh. Điều này không chỉ là những báo cáo thành tích trên giấy mà là cảnh sống thanh bình, ấm no hiện rõ trước mắt khi về thăm miền quê này.