Lao Chải là xã vùng 3 biên giới của huyện Vị Xuyên, tỉnh Lào Cai. Lao Chải có địa hình đồi núi cao, chia cắt mạnh, dân cư phân bố rải rác, điều kiện sản xuất, canh tác gặp nhiều khó khăn do khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước sản xuất... Sự khởi sắc của Lao Chải bắt đầu từ Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014 - 2016 của UBND tỉnh Hà Giang. Trong đó Lao Chải là một trong 21 xã được lựa chọn thực hiện. Sau 2 năm thực hiện, Đề án đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực.
Ở 4 thôn Lùng Chu Phùng, Bản Phùng, Cáo Sào, Ngài Là Thầu, người dân đã tiến hành áp dụng một số mô hình trong trồng trọt và chăn nuôi. Điển hình như mô hình nuôi bò nhốt, nuôi gà bán chăn thả; thay vì trước đây, người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông, nuôi tự phát nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh và phòng, chống đói rét khi mùa Đông đến.
Xã đang phát triển mô hình chăn nuôi bò nhốt tại mốc 238 với 12 hộ tham gia, đến nay đàn bò đã phát triển lên 114 con. Cùng với đó, xã thành lập được 2 Nhóm sở thích trồng thảo quả gồm 47 thành viên với diện tích 542,2 ha; thành lập 4 Tổ sản xuất tại 4 thôn để chỉ đạo sản xuất theo phương châm “5 cùng”. Hiện, các thôn đều thành lập và duy trì tốt hoạt động của Quỹ phát triển thôn. Trong đó, chủ yếu tập trung cho các hộ vay phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Thực hiện Đề án gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực để tập trung sửa chữa, nâng cấp, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đảm bảo đi lại thuận tiện cho bà con. Riêng trục đường liên xã đã cứng hóa đạt 100%, trục đường liên thôn và ngõ xóm đã bê tông hóa được 17,2km. Cải tạo, nâng cấp chợ trung tâm xã với tổng diện tích 1.553m2, gồm 2 dãy nhà 10 gian, đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, phong trào xây dựng nếp sống văn minh được duy trì tốt. Chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ chuyển lớp, chuyển cấp đạt trên 98%.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đảm bảo, cuối năm 2016, Trạm y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tính đến hết năm 2016, xã Lao Chải đạt 7/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt 10 triệu 500 nghìn đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo còn 40%, giảm 7% so với năm 2015. Bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.Thực hiện đề án 1 triệu tấn xi măng, năm 2017 xã Lao Chải đã đăng ký 275 tấn làm 9 đầu điểm tại 4 thôn bản.Bà con nhân dân đóng góp ngày công lao động trên 1000 công và đóng góp tiền mua vật liệu cát, sỏi trên 400 triệu đồng, hiến đất 9.000m2 làm mặt bằng.
Trong mục tiêu phát triển toàn diện, ngoài thay đổi phương thức trong chăn nuôi, xã đang tiến tới quy hoạch đưa sản phẩm nông sản phát triển theo hình thức hàng hóa bằng cách thành lập hợp tác xã (HTX)của những hộ, gia đình cùng sở thích. Xã có diện tích khá nhiều 2 loại cây đặc sản của vùng núi cao là cây chè và cây thảo quả. Tuy chưa có thương hiệu nhưng cây chè mang tên chè Sa Suốt ở vùng cao Lao Chải cũng có hương vị riêng, đặc biệt thơm ngon, chất lượng tương đương với chè Shan tuyết đã được nhiều người biết đến. Mỗi kg chè khô Sa Suốt được người dân bán ra thị trường khoảng 130 nghìn/kg. Với 92ha diện tích chè mỗi năm sản lượng đạt 64,4 tấn.
Cùng với cây chè, xã có diện tích cây thảo quả rộng lớn với 503,59ha, cho thu hoạch 258ha, bán với giá thị trường 120-140 nghìn/kg thảo quả khô đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân vùng khó khăn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và tăng thu nhập cho 2 mặt hàng nông sản trên, xã đang triển khai thành lập HTX mua, bán nông sản gồm những gia đình cùng sở thích. Đây được xem là cách làm thiết thực trong việc cải thiện mô hình sản xuất đa sản phẩm quy mô nhỏ sang sản xuất chuyên canh nhóm, thay đổi tư duy bao cấp, trông chờ, ỷ lại cho người dân địa phương.