“Thiên la địa võng”
Về phía Mỹ, lính chuột chũi, với nhiệm vụ đột nhập địa đạo, là một dạng binh lính đặc biệt. Họ đi vào một thế giới bí ẩn để đối mặt với đối thủ, nơi ấy đầy rẫy bất trắc và cái chết đôi khi chỉ ở cách họ vài mét. “Chúng tôi cố ý thiết kế địa đạo rất phức tạp, vì đây là cách duy nhất để chống lại sự xâm nhập của lính chuột chũi”, cố Thiếu tướng Trần Hải Phụng, tư lệnh của lực lượng tại địa đạo Củ Chi, giải thích.
Lính chuột chũi được trang bị đèn pin, súng ngắn, dao – cũng như một sự mạo hiểm lớn lao khi đột nhập vào những nơi dễ bị phát hiện. Để liên lạc với người trên mặt đất, lính chuột chũi mang theo điện thoại có dây. Một sợi dây được buộc vào cơ thể người lính để người trên mặt đất biết được anh ta đã đột nhập bao xa vào lòng địa đạo.
Bên trong lòng đất, trò mèo vờn chuột bắt đầu giữa lính chuột chũi và du kích quân bắt đầu. Ông Nguyễn Thành Linh, cựu chiến binh Quân Giải phóng, giải thích: “Khi phát hiện có người đang bám theo mình trong địa đạo, chúng tôi liền nằm im và chờ đợi cơ hội tấn công kẻ đột nhập. Chúng tôi thường nằm phục ở tầng trên để đón lõng lính chuột chũi đang ở tầng dưới bò lên.
Địa đạo được thiết kế để buộc những kẻ đột nhập phải đưa tay lên trước rồi sau đó mới đưa phần thân trên qua lỗ kết nối để chui từ tầng dưới lên tầng trên. Di chuyển bằng cách này khiến lính chuột chũi rất dễ bị tấn công, chúng tôi thường dùng dao đâm hoặc thả một quả lựu đạn xuống tầng dưới vào đúng vị trí đã xác định”.
“Lính chuột chũi thực hiện một nhiệm vụ rất nguy hiểm”, tướng Phụng giải thích. “Khi chui vào địa đạo thì chúng có hai nhiệm vụ: thứ nhất, tìm kiếm tài liệu, đồ quân nhu, vũ khí hoặc bất cứ thứ gì có giá trị tình báo; thứ hai, nghiên cứu cách thức hiệu quả nhất để đánh dưới hầm ngầm.
Đó là nhiệm vụ rất khó khăn, không chỉ bởi chúng phải thường xuyên xoay xở trong không gian chật hẹp mà còn bởi bộ đội của chúng tôi luôn phục chờ họ… Sau chiến tranh, tôi đã gặp một đại tá Mỹ; ông ta lắc đầu và bảo rằng không thể nào đánh nhau với chúng tôi dưới địa đạo”.
Một tên “lính chuột chũi” lò dò vào đường hầm |
Bẫy cũng luôn chờ đợi lính chuột chũi. Bẫy chông tre là loại phổ biến nhất, được làm bằng cách đặt những thanh tre vót nhọn vào dưới hố rồi ngụy trang kỹ nắp hố. Nắp hố làm bằng chất liệu dễ gẫy để có thể sụp xuống khi một người bước lên trên.
Lính chuột chũi vô ý sẽ trở thành nạn nhân của loại bẫy này, với thân thể bị thân tre đâm thủng. Đôi khi, que chông được tẩm phân người hoặc động vật để khiến vết thương dễ nhiễm trùng trong trường hợp nạn nhân sống sót sau khi bị đâm.
Các thiết bị nổ cũng được huy động. Cửa sập thường được gắn chất nổ, mà phần lớn lấy từ số bom đạn chưa phát nổ của Mỹ. Các thiết bị nổ này không chỉ làm chết hoặc bị thương kẻ đột nhập mà còn phá hủy địa đạo để khiến quân Mỹ không thể lần ra phần còn lại.
Một loại bẫy đỡ chết chóc hơn là loại tấm bảng lởm chởm đinh. Đã có một số lần lính chuột chũi Mỹ bị đâm thủng chân tay khi vấp tấm bảng này.
Nông dân đặt mìn bẫy trực thăng
Trong một biến thể khác, Quân Giải phóng dùng bẫy cung tên. Người ta đào đường hầm ngắn, vuông góc với địa đạo chính. Một chiếc cung được đặt trong hầm ngắn, với dây cung được kéo ra phía sau, và được giữ chặt bằng thiết bị rất nhạy, mũi tên được đặt lên trên, chĩa mũi ra hầm chính.
Sau đó, người ta nối một sợi dây từ hầm chính tới thiết bị kích hoạt. Khi lính chuột chũi bò vào hầm chính, tới điểm giao nhau ấy, nếu không cảnh giác thì có thể vướng phải sợi dây, kích hoạt cây cung và mũi tên được phóng đi.
“Loại bẫy này hoạt động tốt”, tướng Phụng đánh giá. “Nhưng đôi lúc chúng lại gây ra rắc rối. Một vài lần quân Mỹ không thể thu dọn xác quân nhân bên trong đường hầm. Tôi biết tới hai trường hợp dính bẫy – một người vấp phải chông tre và người kia bị trúng bẫy tên – cả hai đều thiệt mạng và thi thể bị bỏ lại. Sau đó, chúng tôi phải kéo xác lên mặt đất và để đấy cho quân Mỹ thu dọn. Bẫy của chúng tôi rất hiệu nghiệm khiến sau năm 1966, lính chuột chũi không còn hoạt động nhiều nữa”.
Một số loại bẫy gây khiếp sợ hơn các loại khác, đặc biệt là loại “bẫy sống”. Thỉnh thoảng, sau khi sơ tán khỏi một đường hầm, người ta để lại một vài con rắn độc để đối phó với lính chuột chũi. Rắn được nhốt trong lồng, sau đó được thả ra đúng lúc để đón lõng lính chuột chũi.
“Dùng rắn không thực sự hiệu quả”, tướng Phụng cho biết. Có thể không hiệu quả mấy, nhưng chúng lại làm gia tăng nỗi sợ hãi đối với những người muốn khám phá đường hầm.
Đội “lính chuột chũi” mỗi lần vào đường hầm là một lần cận kề cái chết |
Ông Nguyễn Thành Linh bổ sung: “Ngay cả những người sống ở Củ Chi như chúng tôi cũng không bao giờ biết trước được mình sẽ đối mặt với điều gì bởi đôi lúc thú hoang vẫn thường chui vào địa đạo. Bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể đụng phải dơi, chồn hoặc rắn”.
Sự sáng tạo của du kích tại Củ Chi không chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống địa đạo. Họ còn làm bẫy đặt trên mặt đất ở những lối dẫn tới đường hầm. Nếu người Mỹ sáng tạo ra phương cách để phát hiện bẫy, du kích quân sẽ thay đổi loại bẫy hoặc cách thức đặt bẫy. Điều này đã dẫn tới việc quân du kích đặt bẫy ở những nơi mà trực thăng Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng làm bãi đáp.
“Chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng máy bay Mỹ tìm kiếm khu vực thoáng đãng để đổ quân nhằm đột kích bất ngờ”, Tướng Phụng nói. “Chúng tôi đối phó bằng cách cài mìn ở nơi mà quân Mỹ có thể đáp máy bay. Một chiến thuật khác là buộc trực thăng đáp xuống những nơi chúng tôi đang mai phục.
Chúng tôi buộc người Mỹ phải đánh theo cách của mình – chứ không phải theo cách của họ. Về sau, vì sợ mìn, phi công đã cho trực thăng treo trên không và lính tụt xuống bằng dây thừng. Nhưng chúng tôi chế ra loại bẫy mìn có thể phát nổ khi trực thăng bay ở độ cao 10 – 15m. Điều này được thực hiện bằng cách cài một quả mìn trên mặt đất, rồi đặt một cây nhỏ lên trên kíp nổ.
Khi máy bay vờn phía trên, gió từ cánh quạt sẽ thổi bay cái cây, kích hoạt quả mìn. Loại mìn này sử dụng kíp nổ đặc biệt do nông dân địa phương thiết kế và chế tạo”.
Kỹ thuật đào hầm đáng kinh ngạc
Du kích quân dựa vào lao động chân tay, sử dụng cuốc xẻng hoặc nếu cần, dùng tay không để đào địa đạo. Họ khoan vào lòng đất với một tốc độ đáng kinh ngạc. Cách thức che giấu hàng tấn đất được đào lên cũng đáng kinh ngạc như kỹ thuật đào hầm.
“Để đào địa đạo, trước hết chúng tôi đào hai cái giếng khô”, một sĩ quan Quân Giải phóng tiết lộ. “Mỗi giếng có đường kính 0,8 mét. Hai cái giếng nằm cách nhau chừng sáu tới mười lăm mét, tùy thuộc vào địa hình, và được đào tới độ sâu ba đến bốn mét. Khi tới độ sâu đó, hai người ở hai giếng sẽ bắt đầu đào về phía nhau. Vừa đào họ vừa lắng nghe âm thanh của người kia để biết chắc rằng họ sẽ đào thông qua nhau”.
Lính Mỹ càn quét khu vực Củ Chi |
Độ sâu của giếng khô ban đầu tùy thuộc vào tầng của địa đạo. Loại giếng sâu từ ba tới bốn mét sử dụng cho tầng thứ nhất của địa đạo, chủ yếu phục vụ việc di chuyển nhanh sang vị trí chiến đấu khác. Độ sâu năm tới sáu mét tương đương với tầng thứ hai, thường được sử dụng để nghỉ ngơi. Còn độ sâu mười hai mét là tầng thứ ba, được sử dụng để tránh bom cũng như xe tăng/máy ủi.
Để xuống dưới giếng sâu, người ta phải khoét đất tạo bậc thang. Những giếng có bán kính nhỏ thì mỗi lần chỉ có một người xuống đào. Một tổ đào thường có năm người: trong khi một người đào thì một người theo sau xúc đất đổ vào rổ, ba người còn lại ở trên mặt đất – một người kéo rổ đất lên, một người mang tới nơi đổ, người còn lại có nhiệm vụ ngụy trang số đất vừa đào lên.
Những nhiệm vụ này được các thành viên luân phiên thực hiện. Công đoạn quan trọng nhất trong hoạt động đào hầm thực sự diễn ra trên mặt đất – đó là che giấu số đất vừa đào lên. Bất cẩn trong công đoạn giấu đất có thể khiến kẻ thù nghi ngờ có hoạt động đào hầm ở gần đấy – dẫn tới một cuộc lục soát.
“Chúng tôi có nhiều cách giấu đất”, ông Nguyễn Thành Linh giải thích. “Cách phổ biến nhất là rải trên mặt đất rồi lấy lá cây phủ lên. Cách thứ hai là dùng đất lấp hố bom B-52. Đôi lúc chúng tôi lấy đất làm ụ mối nhân tạo, cao chừng một mét rưỡi”.
Sau khi đã đào đường hầm thông hai giếng khô lại với nhau, cái giếng thứ nhất sẽ được lập phía trên lại. Sau đó người ta đào tiếp một cái giếng thứ ba với cự li tương tự như hai giếng đầu. Khi giếng thứ ba được đào xong, người ở giếng thứ hai và ba sẽ đào đường hầm thông với nhau.
Đến khi đường hầm thông, quy trình lặp lại với việc giếng thứ hai được lấp phía trên lại và người ta bắt đầu đào giếng khô thứ tư. Kỹ thuật này đòi hỏi việc đào và lấp hàng ngàn giếng khô, hết cái này đến cái kia, sau khi đường hầm nối chúng với nhau hoàn tất.
Sau một thời gian, có một vấn đề nảy sinh đó là đất trên bề mặt tại nơi những giếng khô được lấp lại sẽ lõm xuống. Lính cảnh giới bên phía quân Mỹ có thể nhận ra rằng hiện tượng lõm xuống này xuất phát từ hoạt động đào hầm. Vì thế, bề mặt phía trên được kiểm tra thường xuyên và được khỏa thêm đất vào mỗi khi xuất hiện sụt lún.
Lối ra ngầm dưới lòng sông
Tốc độ đào hầm cũng thay đổi tùy thuộc vào mùa. “Vào mùa khô, đất cứng rất khó đào, vì thế phải mất một ngày mới đào xong một cái giếng khô hoặc đào được đoạn địa đạo dài sáu mét”, một cựu binh cho hay. “Vào mùa mưa, tiến độ mỗi ngày có thể nhanh hơn, có thể hoàn tất việc đào hai giếng và nối chúng lại với nhau”.
Quân Mỹ bị thương được đưa ra khỏi khu vực chiến sự |
Đường kính của địa đạo đã hoàn thành thường nhỏ tới mức hai người bò từ hai đầu hầm về phía nhau sẽ rất khó tránh nhau. Một người buộc phải nằm sấp trên nền hầm để người kia bò qua.
Trước khi đào giếng thứ nhất, người ta kiểm tra kỹ mặt đất. “Chúng tôi tìm những nơi tốt nhất để đặt cửa ra vào địa đạo”, cựu binh Nguyễn Thành Linh giải thích. “Sau đó sẽ đến công đoạn đào tầng hầm thứ nhất, rồi sau đó đến tầng thứ hai, thứ ba”.
Cửa sập dẫn tới các địa đạo được ngụy trang rất kỹ. Cửa làm bằng gỗ, được che bằng bùn đất và lá khô ở phía ngoài. Lối ra vào địa đạo rất nhỏ, không chỉ để tránh bị phát hiện mà còn để khiến đối phương khó đột nhập một khi phát hiện ra.
Lối ra vào địa đạo không phải lúc nào cũng dẫn lên mặt đất. Một số địa đạo gần sông có lối ra ngầm dưới nước.
“Ra vào mấy địa đạo có cửa ngầm dưới nước rất khó”, tướng Phụng cho biết. “Chúng tôi phải nín thở hơn một phút. Đi vào khó hơn đi ra, bởi khi đi vào thì anh phải mất thời gian lần tìm cửa hầm ở dưới nước. Cửa hầm dưới nước thường lớn hơn cửa trên cạn để cho dễ tìm. Những lối ra vào này được giữ bí mật nên rất ít người biết đến”.
Địa đạo cần có lỗ thông hơi để dẫn ôxy vào. Việc đặt ống thông hơi tùy thuộc vào độ sâu của hầm.
“Đối với tầng một và hai, lỗ thông hơi được đào từ dưới lên trên”, ông Lâm cho biết. “Xẻng hoặc cật tre được dùng để khơi lỗ thông hơi, sau đó người ta sử dụng một ống tre dài thọc vào lỗ, đẩy lên bề mặt. Khi làm ống thông hơi cho tầng thứ ba, chúng tôi chỉ cần để một thanh tre dài dựng đứng theo cái giếng cạn trước khi lấp phần trên của nó lại”.
Cuộc sống dưới lòng đất
Củ Chi là một khu vực tốt để đào địa đạo. “Kết cấu đất ở Củ Chi chắc, rất tốt cho việc đào hầm”, ông Lâm chia sẻ.
Tướng Phụng cho biết thêm: “Đó là loại đất thủng tổ ong với mực nước ngầm nằm ở độ sâu 25 mét. Đôi khi chúng tôi đào sâu 30 mét mới tới được nơi có nước ngầm”.
Một bẫy chông tại Củ Chi |
Có nhiều cách để chiếu sáng dưới lòng đất. Đèn dầu hỏa hoặc dầu diezel được dùng để thắp sáng ở khu vực hội họp. Nhiều đèn dầu sử dụng một loại chai rượu đặc trưng của Pháp vì kiểu chai này rất khó đổ. (Khi chính quyền Việt Nam Công hòa biết chuyện, đã cấm bán loại chai ấy). Những người đi lại dưới hầm ngầm thường dùng đèn pin hoặc nến. Tuy nhiên, rất nhiều khi thiếu phương tiện chiếu sáng, họ phải di chuyển hoàn toàn trong bóng tối.
Bất cứ khi nào có thể, những người thiết kế hầm ngầm luôn tìm cách tạo ra một số tiện nghi để giảm bớt việc phải đi ra ngoài. Mỗi một hệ thống hầm đều có nơi cung cấp nước. Để nấu nướng, họ làm bếp “không khói”.
Loại bếp này có nhiều ống khói rất dài, được thiết kế đặc biệt để phân tán khói từ bếp lò ra xa, đến khi khói lên tới mặt đất thì hầu như đã tan hết. Dưới hầm có một số nơi đủ rộng để hội họp hoặc giải trí cơ bản. Một số hầm còn có phòng thí nghiệm chất nổ để phục vụ việc chế tạo mìn. Thêm vào đó, người ta còn nuôi gia cầm hoặc gia súc nhỏ.
“Cuộc sống dưới lòng đất an toàn và khá thoải mái”, Tướng Phụng nói. “Lúc không đánh nhau, chúng tôi thay phiên lên mặt đất tập thể dục. Đôi khi chúng tôi đem theo thú nuôi lên mặt đất để tập thể dục, cứ như thể chúng là con người vậy”.
Du kích kiểm soát lòng đất ở Củ Chi, nhưng quyền kiểm soát mặt đất thì thay đổi tùy theo thời điểm trong ngày. Ban ngày, Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa kiểm soát; tuy nhiên, vào chiều muộn thì vai trò thay đổi. Lính Mỹ và quân Việt Nam Cộng hòa thường rút đi lúc 5 giờ chiều. Sau thời điểm ấy, du kích quân trồi lên từ lòng đất.
“Ban ngày, phần lớn hoạt động của chúng tôi diễn ra dưới hầm”, Tướng Phụng kể. “Chúng tôi hội họp và nghỉ ngơi. Một vài nhóm đưa chất nổ lên mặt đất cài mìn. Nếu như chạm trán quân địch thì sẽ chiến đấu; nhưng thông thường chúng tôi không chủ động tấn công vào ban ngày”. Ban đêm là một câu chuyện khác.
Một cửa hầm địa đạo Củ Chi |
“Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi tấn công doanh trại địch”, Tướng Phụng kể tiếp. “Sở trường của chúng tôi là đánh đêm. Dù đối phương có máy bay thả pháo sáng cũng như có thiết bị quan sát hồng ngoại ở căn cứ của họ, nhưng những thứ đó không hiệu nghiệm khi đối phó với quân du kích”.
Quyết tâm của Quân Giải phóng trong việc bảo vệ Củ Chi hiện lên qua lời giải thích của một cựu binh: “Chúng tôi biết quân địch luôn quyết tâm tìm và phá hủy hệ thống địa đạo. Họ, cũng như chúng tôi, biết rõ những gì diễn ra ở Củ Chi, cũng như diễn tiến của chiến tranh; địa đạo còn, chúng tôi sẽ thắng; địa đạo mất, người Mỹ sẽ thắng. Thế nên chúng tôi quyết tâm không để mất dù chỉ một phần địa đạo”.