Giữ xe để “ép” trả nợ
Cách đây ít lâu, ông Nguyễn Hữu Bảo - Giám đốc Cty TNHH Thương mại Hải Thành (trụ sở tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) phản ánh với Báo Pháp luật Việt Nam việc:
Khoảng 22h30’ ngày 10/12/2012, ông Nguyễn Văn Giang, lái xe của công ty điều khiển chiếc xe ô tô nhãn hiệu Mercedes của Cty Hải Thành theo hướng từ tỉnh Sơn La về Hà Nội. Khi đến địa bàn tiểu khu 3, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La thì bị một nhóm người đi xe máy lạng lách, chèn ép rồi bất ngờ bị chiếc xe ô tô Prado lao tới chắn ngang đường, dọa nạt, ép lái xe xuống xe.
Sợ hãi, ông Giang đã mở cửa xe bỏ chạy vào trụ sở Công an huyện Mường La gần đó trình báo.
Ngày 4/9/2013, Công an huyện Mường La có công văn cho biết, cơ quan công an xác định người giữ chiếc xe ô tô của Cty Hải Thành là bà Nguyễn Thị Thắm - Phó Giám đốc Cty Đậu Thắm (trụ sở tại TP.Sơn La, tỉnh Sơn La).
Bà Thắm khai, lý do của việc giữ xe ô tô là nhằm mục đích để Cty Hải Thành trả số tiền hơn 219 triệu đồng mà Cty Hải Thành nợ xăng dầu của Cty Đậu Thắm theo bản chốt công nợ ngày 31/1/2010.
Cty Đậu Thắm yêu cầu thanh toán nhiều lần, tìm gặp lãnh đạo Cty Hải Thành để đòi nợ nhưng không gặp được nên bắt buộc phải giữ chiếc trên nhằm mục đích đòi Cty Hải Thành trả xong số tiền nợ mới trả lại xe ô tô.
“Giữ của để đòi tiền” vi phạm quy định nào?
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Mường La từng xác định mục đích của bà Nguyễn Thị Thắm cùng đồng bọn khi thực hiện hành vi là “để Cty Hải Thành trả số tiền nợ hơn 219 triệu đồng” chứ không phải “mục đích chiếm đoạt” và kết luận rằng vụ việc nêu trên không có dấu hiệu hình sự.
Phân tích về vấn đề này, Luật sư Đỗ Trung Kiên (Văn phòng Luật sư Đỗ Trung Kiên và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nhận định trên của cơ quan công an là “một sai sót nghiêm trọng”.
Theo Luật sư Kiên, trong tố tụng hình sự, cần phải phân biệt rõ ràng về động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Nếu như động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi thì mục đích phạm tội chính là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội.
Nhìn chung, động cơ phạm tội không có ý nghĩa quyết định đến tính chất nguy hiểm của tội phạm, không phải là căn cứ để phân biệt giữa tội phạm và không phải tội phạm, còn mục đích trong một số tội phạm là yếu tố bắt buộc để cấu thành tội phạm, chẳng hạn như: tội vu khống, tội cướp tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản…
Xét các dấu hiệu chủ quan, khách quan, hành vi của bà Thắm cùng đồng bọn đủ để cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 133 Bộ luật Hình sự: “1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm…”.
Về mặt khách thể, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản, nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được.
Trong vụ án này, các hành vi của bà Thắm cùng đồng bọn trước hết đe dọa gây thiệt hại về mặt tính mạng cho tài xế (dọa sẽ giết chết), tiếp đó trực tiếp gây thiệt hại về sức khỏe (đuổi đánh) và cuối cùng xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Cty Hải Thành.
Về hành vi khách quan, nhóm người này vừa có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc (mang theo tuýp sắt, gậy gộc và ra lệnh cho tài xế phải ra khỏi xe nếu không sẽ giết chết), vừa có hành vi trực tiếp dùng vũ lực đuổi đánh. Sau đó nhóm người đã chiếm đoạt chiếc ô tô.
“Với tội cướp tài sản mục đích “nhằm chiếm đoạt tài sản” là dấu hiệu bắt buộc để định tội. Mục đích phạm tội chính là ý thức chủ quan của con người, do vậy không dễ dàng để chứng minh. Tuy nhiên, đặt trong không gian, thời gian, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc (trong đêm tối, khu vực miền núi, một nhóm người chặn một người ngoại tỉnh); và công cụ, phương tiện mà nhóm người này sử dụng (gậy gộc, tuýp sắt); đặc biệt căn cứ vào hành vi dùng vũ lực buộc người lái xe phải rời khỏi xe, phải ra khỏi khu vực có chiếc xe đến cùng, Cơ quan CSĐT hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định kết quả cuối cùng mà bà Thắm cùng đồng bọn mong muốn đạt được trong hành động lần này là để chiếm đoạt chiếc xe” – Luật sư Kiên nói.
Ngay cả khi họ khai rằng họ không có ý định lấy chiếc xe để dùng, để bán hay chiếm đoạt thành tài sản riêng, mà họ chỉ muốn dùng chiếc xe này để đòi nợ thì Cơ quan CSĐT phải xác định đó chỉ là nguyên nhân, là động cơ bên trong của nhóm người thực hiện hành vi.
Về mặt hậu quả, đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt. Trong vụ án này, chiếc xe của Cty Hải Thành hiện đã bị bà Thắm cùng đồng bọn chiếm đoạt, do vậy Cơ quan CSĐT không khởi tố vụ án là không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Còn Luật sư Vũ Văn Thiệu (Công ty Luật Hợp danh INCIP), nêu ý kiến: “Hành vi giữ xe ô tô của Cty Đậu Thắm nhằm ép Cty Hải Thành trả nợ là sai. Bà Nguyễn Thị Thắm và những người liên quan có thể bị xử lý về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 Bộ luật hình sự 1999: 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.
“Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Cty Đậu Thắm có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đòi nợ Cty Hải Thành. Khi đó, các cơ quan liên quan sẽ tiến hành xử lý vụ kiện đòi nợ theo đúng tiến trình của vụ kiện dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công ty này” – Luật sư Kiên góp ý – “Dù là cần đòi nợ một cách ngay tình thì công ty cũng không thể vin vào đó để mà vi phạm pháp luật hình sự được”.