Ước mong lớn nhất của nhóm múa lân đặc biệt này là giữ gìn nét văn hóa của dân tộc và hơn hết là đem lại tiếng cười cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn vào mỗi dịp Tết Trung Thu.
Cháy hết mình với đam mê
15 năm qua, cứ mỗi dịp Trung thu là anh Hồ Quang Chính (SN 1984, trú phường Hồng Sơn, TP Vinh, Nghệ An) lại cùng nhóm múa lân tập trung cao độ luyện tập. Ai cũng háo hức tập luyện để biểu diễn cho công chúng, nhất là những đứa trẻ tại các trung tâm khuyết tật. Với họ, đây không phải là nghề để kiếm sống, nhưng là cách để thỏa mãn đam mê và đem lại tiếng cười cho mọi người.
Với chất giọng Huế đặc sệt, anh Chính bộc bạch, “thực ra đây không phải là nghề chính của tôi. “Cần câu cơm” để tôi nuôi gia đình là nghề cắt tóc. Tuy nhiên, vì đam mê nên tôi đã theo đuổi và sống với nó đến nay đã hơn 15 năm. Bên cạnh đó cũng là đem lại tiếng cười cho mọi người, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống”.
Sinh ra ở Huế, nơi phong trào múa lân tương đối phát triển nên anh Chính có những ký ức đặc biệt và đam mê máu thịt với loại hình nghệ thuật có những điệu nhảy cuốn hút, nhưng không kém nguy hiểm này. 18 tuổi, Chính đứng ra thành lập nhóm múa lân - sư - rồng với khoảng chục thành viên là các bạn trẻ có chung niềm đam mê. Mới đầu, nhóm chủ yếu biểu diễn cho mọi người trong khu phố xem. Không lâu sau, số thành viên tăng lên.
Anh Chính luôn đam mê với công việc của mình |
Hiện tại, nhóm múa lân đặc biệt này có gần 30 thành viên. Họ có độ tuổi và ngành nghề khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với bộ môn múa lân. “Mỗi khi được buổi diễn, anh em lại được gắn kết với nhau, hơn cả tình thân. Nhưng có lẽ, niềm vui lớn nhất của chúng tôi là nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con”, anh Chính chia sẻ.
Vì chênh lệch về giờ giấc, công việc nên các thành viên trong đội thường tập luyện vào cuối tuần và ban đêm. Có chứng kiến một buổi tập của các thành viên mới thấy được niềm đam mê của họ. Nổi bật nhất là cậu bé Nguyễn Tuấn Đức. Dù mới học lớp 8, nhưng Đức đã nhảy múa thông thạo ở những vị trí “khó nhằn”. Dù vào đội chừng hơn 2 năm nhưng Đức có thể đảm nhận vị trí múa đầu lân liên tiếp hơn 1 tiếng đồng hồ không biết mệt, trong khi những người lớn tuổi chỉ có thể múa chừng 30 phút là bắt buộc thay người.
Bảo tồn nét văn hóa truyền thống
Về bộ môn này, anh Chính cho hay đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó, nhưng cái chính là múa phải có hồn. Một bài múa lân sẽ trở nên khô cứng, vô hồn nếu người biểu diễn không biết thả hồn vào chính những con lân mình khoác trên người, hòa quyện giữa những bước đi vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa duyên dáng, oai hùng với nhịp trống, phách.
Hơn nữa bởi đầu lân không có bờm như sư tử, nên khi biểu diễn phải khéo léo để không bị lộ và phô ra những điểm yếu của người biểu diễn. Mặt khác, múa rồng gồm 1 đội hình nhiều người sẽ dễ dàng tạo nhiều thế, nhiều kiểu và có sự khoan thai nhất định trong các động tác hơn. Trong khi múa lân đòi hỏi tốc độ thực hiện các động tác phải nhanh, mạnh mẽ và dứt khoát nên nhanh xuống sức. Anh Chính cho hay, nếu người múa không thực sự tập trung cao độ khi múa lân thì đầu và đuôi không thể ăn khớp với nhau. Đặc biệt là những động tác leo, chồng người lên cao.
Điều bất ngờ nữa là để một bài biểu diễn thành công, người đóng vai trò quyết định là… người đánh trống. Người này được ví như vị nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc hàng chục người. Tiếng trống ngoài việc tạo không khí sôi động còn là hiệu lệnh mà các thành viên thuộc lòng bàn tay. Nếu tiếng trống dồn dập nghĩa là bắt đầu vào màn múa, còn tiếng trống pha lẫn những thanh cắc tùng, tùy theo từng phân phúc mà người biểu diễn phối hợp chồng người hay di chuyển trái phải.
Em Nguyễn Tùng Lâm (SN 2001), một thành viên của đoàn cho biết, cái khó của người múa lân là phải truyền tải được nội dung vào bài. Cũng là lân, nhưng lân trong từng điệu múa động thổ lại khác trong đám cưới hay đón giao thừa và dịp Trung Thu. Mỗi bài múa đều toát lên một nét tính cách, cảm xúc riêng biệt của lân. Từ những đòi hỏi khắt khe đó nên các thành viên trong nhóm tập luyện rất vất vả. Ngoài sức khỏe dẻo dai, ít năng khiếu, người múa phải có chút võ thuật để có thể thực hiện những động tác leo trèo, bay nhảy. Nếu không cẩn thận có thể xảy ra tai nạn và chấn thương.
Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng khai trương có phong trào mời đội múa lân về xông đất, vì thế nhóm của anh Chính có thêm việc làm. Thù lao dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng, chia đều cho 8 người. Đó là chưa tính chi phí quần áo, dụng cụ nên số tiền cát xê còn lại chỉ đủ xăng xe và một bữa liên hoan nhẹ. Anh Chính tâm sự, nếu nói đi múa lân để kiếm tiền sống là rất khó, bởi thu nhập không đáng là bao. Nhưng các thành viên trong đội vẫn luôn luyện tập hết mình vì bộ môn nghệ thuật này. Bởi với họ hạnh phúc lớn hơn cả là đem lại niềm vui cho mọi người cũng như bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Hơn 15 năm biểu diễn, điều khiến anh Chính cùng các thành viên nhớ nhất là những buổi múa cho một số trung tâm khuyết tật trên địa bàn. Lúc đầu, cả nhóm định giảm một nửa chi phí, nhưng khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ tật nguyện với gương mặt háo hức, ánh mắt chăm chú theo dõi họ quyết định miễn phí hoàn toàn. Từ đó đến nay, cứ theo thông lệ, đến dịp Tết Trung Thu là nhóm lại đến một số trung tâm nuôi dưỡng những phận người bất hạnh để đem lại tiếng cười cho họ.
Trời xế chiều cũng là lúc tiệm cắt tóc nhỏ của anh Chính hết khách. Người đàn ông trẻ này lại vội vàng liên lạc với các thành viên thông báo địa điểm tập để chuẩn bị biểu diễn đêm rằm Trung Thu sắp tới. Niềm đam mê của anh càng được tiếp lửa khi vợ và hai đứa con nhỏ luôn đồng hành.