Chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính (QLXLVPHC) và theo dõi THPL Nguyễn Quốc Hoàn và ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam.
Công tác tổ chức THPL có vai trò then chốt
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh xây dựng và tổ chức THPL là hai nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, đóng vai trò then chốt trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, trong khi công tác xây dựng pháp luật đạt được nhiều thành tựu thì công tác tổ chức THPL lại chưa theo kịp với yêu cầu của sự phát triển.
Thực tiễn cho thấy, tình hình THPL có phạm vi rất rộng, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ nặng nề và là nhiệm vụ chung của tất cả các Bộ, ngành, các địa phương trong cả nước. Do đó, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đặc biệt có ý nghĩa quan trọng; đặc biệt là trong bối cảnh các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước được tổ chức triển khai mạnh mẽ.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc. |
Thứ trưởng cho biết Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra những định hướng quan trọng trong việc đổi mới cơ chế THPL, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Để quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2025 - 2030”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Cục trưởng Cục QLXLVPHC và theo dõi THPL Nguyễn Quốc Hoàn; ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam chủ trì Hội thảo. |
Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn Hội thảo hôm nay là cơ hội để đánh giá thực trạng công tác tổ chức THPL, thể chế hoạt động tổ chức THPL ở Việt Nam hiện nay; qua đó phân tích, chỉ ra những kết quả đã đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp phù hợp, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL trong giai đoạn 2025 - 2030 ở Việt Nam.
Ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam. |
Ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam khẳng định công tác THPL có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống; từ đó đảm bảo công bằng xã hội, thu hút đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh cho mỗi quốc gia. Ông mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ chủ động, tích cực trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác này.
Gắn kết giữa xây dựng và THPL
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC và theo dõi THPL Nguyễn Thị Minh Phương đã giới thiệu tổng quan về công tác tổ chức THPL ở Việt Nam hiện nay; đồng thời nêu lên một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL trong giai đoạn mới. Theo đồng chí, hoạt động tổ chức THPL cần phải được đặt trong tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và bối cảnh đã có chủ trương của Đảng về hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật.
Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC và theo dõi THPL Nguyễn Thị Minh Phương. |
Vì vậy, cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trong tổ chức THPL cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; tạo điều kiện cơ bản và đầy đủ cho việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác theo dõi, tổ chức THPL ở các Bộ, ngành, địa phương. Đồng chí cũng đề xuất tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật về theo dõi, tổ chức thi hành VBQPPL; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật về theo dõi, tổ chức THPL nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất.
GS.TS Hoàng Thế Liên. |
Phân tích việc tổ chức THPL qua các giai đoạn khác nhau, GS.TS Hoàng Thế Liên cho rằng định hướng hoàn thiện thể chế thi hành và tổ chức THPL cần phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược; thay đổi từ việc đặt trọng tâm vào công tác xây dựng pháp luật sang công tác thi hành pháp luật; đồng thời gắn công tác tổ chức THPL với xây dựng pháp luật để hạn chế tối đa tình trạng “cắt khúc” trong xây dựng và THPL. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị cần nâng cao năng lực tổ chức thực thi chính sách, thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ; tăng cường năng lực phản ứng chính sách và công tác kiểm tra trong tổ chức THPL...
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng. |
Còn ông Nguyễn Công Hồng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Cụ thể, cần tiếp tục cải tiến hoạt động giám sát bằng phương thức xem xét báo cáo tại kỳ họp Quốc hội; nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; cải tiến cách thức giám sát chuyên đề;...