Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng các loại văn bản mà chấp hành viên cần thông báo trong quá trình tổ chức một vụ việc thi hành án, nhưng thực tiễn cho thấy có rất nhiều các loại văn bản phải thông báo trong THADS (bao gồm các quyết định về thi hành án và các loại văn bản khác phát sinh trong quá trình thi hành án như thông báo về tổ chức bán đấu giá, thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá, thông báo kết quả thẩm định giá...). Một hồ sơ thi hành án thông thường (1 việc) Chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải tống đạt ít nhất hai loại văn bản, đó là Quyết định thi hành án và giấy triệu tập. Trường hợp có hai đương sự (1 người phải thi hành án 1 người được thi hành án) thì ít nhất cũng phải tống đạt 4 (bốn) văn bản.
Theo số liệu bình quân của cả nước năm 2018, ước tính bình quân một Chấp hành viên phải giải quyết khoảng 220 việc/ năm, số lượng việc đó nhân với 4 văn bản (ở mức độ thấp) bằng 880 văn bản/ năm. Công việc này sẽ tăng lên khi số đương sự, người liên quan nhiều và tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc thi hành án, đặc biệt là đối với các vụ việc phải tổ chức kê biên, cưỡng chế thi hành án, bán đấu giá tài sản nhiều lần...thì số lượng các văn bản thông báo này lại càng nhiều hơn nữa. Với số lượng tống đạt bình quân là hơn hai văn bản/ngày/Chấp hành viên (chưa trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật), có thể thấy số lượng công việc tống đạt, thông báo trong thi hành án cũng đã và đang ở mức báo động. Việc tống đạt một lượng lớn văn bản làm tốn khá nhiều chi phí từ ngân sách nhà nước và chiếm rất nhiều thời gian, công sức của cán bộ, Chấp hành viên làm công tác THADS.
Về hình thức thông báo, việc thông báo thi hành án gần như vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống như thông báo trực tiếp, niêm yết công khai hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó việc thông báo trực tiếp vẫn là một trong những hình thức ưu tiên sử dụng. Điều này dẫn đến việc tống đạt các văn bản thông báo cho đương sự và người liên quan hiện nay của Chấp hành viên rất bị động, mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả không cao.
Thực tiễn cho thấy, các hình thức như gửi thông báo trực tiếp hoặc niêm yết công khai do chấp hành viên hoặc thư ký thi hành án thực hiện đã cho thấy tính không hiệu quả của các quy định hiện hành. Cùng một thời điểm mỗi chấp hành viên phải thi hành đồng thời nhiều vụ việc. Khoảng cách địa lý và việc di chuyển, đi lại mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả hạn chế. Trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin đang được phát triển mạnh mẽ hiện nay, phần lớn người dân đã sử dụng mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh,...thì việc quy định thông báo về THADS thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong Luật THADS sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cho việc thực hiện các thủ tục THADS nhanh hơn, rút ngắn thời gian thi hành án.
Theo Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan THADS. Tuy nhiên, quy định này chỉ bó hẹp trong phạm vi “có thể” hoặc chỉ khi “có yêu cầu” của đối tượng được nhận thông báo nên thực tế thực hiện vẫn còn hạn chế. Do đó cần quy định mở rộng và đa dạng hơn nữa các phương thức thông báo này.