Sửa đổi 5 thủ tục hành chính về quốc tịch
Theo Quyết định 1021, 5 thủ tục lĩnh vực quốc tịch được sửa đổi bao gồm: Thủ tục cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam; thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam ở trong nước; thủ tục cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở trong nước; thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào được phép cư trú tại các huyện của Việt Nam tiếp giáp với Lào.
Thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam cụ thể như sau: Người nước ngoài và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp nơi cư trú. Thời gian giải quyết là 115 ngày và lệ phí là 3 triệu đồng. Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người có hoàn cảnh khó khăn có xác nhận của UBND xã nơi cư trú sẽ được miễn lệ phí.
Thành phần hồ sơ gồm (3 bộ) gồm: Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam; bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; bản khai lý lịch;
Phiếu lý lịch tư pháp (được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ); Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt. Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam khai báo biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam nhưng không có một trong các giấy tờ nêu trên, thì Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ; Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam (bản sao thẻ thường trú); Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam (giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập...).
Trường hợp con chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam cùng cha mẹ thì phải nộp bản sao giấy khai sinh của người con chưa thành niên hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì còn phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con.
Quy định mới về chứng thực bản sao
Còn Quyết định 1024 quy định thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc có trình tự thực hiện như sau: Người yêu cầu xuất trình các giấy tờ phục vụ cho yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc. Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc gửi qua bưu điện thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ theo quy định. Cơ quan, tổ chức căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho người yêu cầu; nội dung bản sao phải ghi theo đúng nội dung đã ghi trong sổ gốc.
Trong trường hợp không tìm thấy sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao thì cơ quan, tổ chức đang lưu giữ sổ gốc có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu. Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc nhận kết quả tại nơi nộp hồ sơ hoặc qua bưu điện (nếu nộp qua bưu điện).
Người yêu cầu có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan, tổ chức lưu sổ gốc hoặc gửi yêu cầu qua bưu điện. Trường hợp nộp trực tiếp thì xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Trường hợp người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc gửi qua bưu điện thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng, phong bì dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận cho cơ quan, tổ chức cấp bản sao. Trường hợp người yêu cầu là người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức được cấp bản chính; cha, mẹ, con; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; người thừa kế khác của người được cấp bản chính trong trường hợp người đó đã chết thì phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ với người được cấp bản chính.
Cũng theo Quyết định 1024, trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ. Trong trường hợp yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc được gửi qua bưu điện thì thời hạn được thực hiện ngay sau khi cơ quan, tổ chức nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu bưu điện đến.
Đáng chú ý, để đồng bộ với các văn bản có liên quan, mức phí chứng thực đã được điều chỉnh. Theo đó, mức phí mới về chứng thực bảo sao từ bản chính là 2.000 đồng/trang, từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa không quá 200.000 đồng/bản. Phí chứng thực chữ ký: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được tính là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản).
Phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch: 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch. Phí chứng thực việc sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch: 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch. Phí cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực: 2.000 đồng/trang; từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản.