Hôm qua (5/2), tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013, cán bộ, công chức các Vụ Hợp tác quốc tế, Hành chính tư pháp, Pháp luật dân sự kinh tế và Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đều thể hiện quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ trong bối cảnh được dự báo là tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ đạo và phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 của Vụ Hợp tác quốc tế |
Hợp tác quốc tế: Từ năm 2013 có tầm cao mới
“Tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp trong việc điều phối các chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác về pháp luật với nước ngoài trong phạm vi Bộ, ngành Tư pháp và tiến tới thực hiện vai trò này trong phạm vi toàn quốc” là một trong những nhiệm vụ được Vụ Hợp tác quốc tế đặt ra cho năm 2013.
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Đặng Hoàng Oanh, ngoài ra, năm 2013, công tác hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp sẽ tập trung đẩy mạnh công tác dự báo, đánh giá tình hình, lập kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế về pháp luật theo hướng chủ động, bám sát và nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, đảm bảo tính khả thi, sự điều phối hợp lý, hiệu quả và sự tham gia rộng rãi.
Đồng thời, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc hoạt động ủy thác tư pháp, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các ủy thác tư pháp với Việt Nam để có hướng xử lý thích hợp…
Đánh giá công tác hợp tác quốc tế năm 2012, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, so với chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu thời cuộc thì công tác hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế, thậm chí có cả yếu kém nhưng cũng “đã đóng góp vào các chiến lược phát triển của đất nước và thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ”.
Phân tích các hạn chế và nguyên nhân, Bộ trưởng chỉ đạo, năm 2013 phải đổi mới mạnh mẽ để tạo “tầm” cho công tác hợp tác quốc tế với tư duy quản lý qua các nhiệm vụ cụ thể, phát huy đầy đủ công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về pháp luật, tham gia đóng góp đổi mới trật tự pháp lý quốc tế, phù hợp với các quốc gia chuyển đổi như Việt Nam… để công tác hợp tác quốc tế về pháp luật “từ 2013 có tầm cao mới, phục vụ đắc lực hơn cho công tác của Bộ, ngành Tư pháp, các Bộ, ngành và đất nước”.
Coi trọng công tác hậu thẩm định
Báo cáo công tác năm 2012 của Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, các lĩnh vực công tác của Vụ đã được triển khai đồng bộ, ngày càng hiện đại, đóng góp cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành nói chung. Năng lực công chức của Vụ được nâng lên, tăng cường ý thức kỷ luật trong công tác. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã bắt đầu tạo được niềm tin của các tổ chức, doanh nghiệp, mang tính chuyên nghiệp. Công tác tổng hợp, báo cáo, văn thư lưu trữ, thi đua khen thưởng đã đi vào nề nếp, khuyến khích công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Đáng chú ý, việc xây dựng và tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ngày càng chủ động, chất lượng góp ý, thẩm định và các kiến nghị sát với thực tiễn của đời sống, được các Bộ, ngành đánh giá cao. Năm qua, Vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành các hoạt động của Dự án Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi), Dự án Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi) theo đúng kế hoạch đặt ra; tham gia hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh đã được thẩm định từ những năm trước và các dự án luật, pháp lệnh thuộc chương trình dự bị của Quốc hội; thẩm định 131 dự thảo VBQPPL, góp ý 380 dự thảo VBQPPL.
Tuy nhiên, thời hạn thực hiện thẩm định, góp ý đối với các VBQPPL có tính phức tạp quá gấp, chưa đủ thời gian nghiên cứu, số lượng văn bản thẩm định, góp ý do Vụ chủ trì năm 2012 lại nhiều nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng của các văn bản; sự phối hợp giải quyết công việc giữa các phòng thuộc Vụ có lúc chưa nhịp nhàng; một số công chức chưa chủ động tham mưu, đề xuất để xử lý công việc…
Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém, trong năm 2013, Vụ sẽ tập trung vào ba nhiệm vụ chính là công tác chỉ đạo, điều hành, công tác xây dựng, thẩm định, góp ý VBQPPL và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp. Để nâng chất lượng công tác, một trong những giải pháp mà Vụ đề ra là coi trọng công tác hậu thẩm định, tức là không phải thẩm định xong văn bản là hết trách nhiệm mà sẽ cử cán bộ theo dõi, cùng với cơ quan soạn thảo chỉnh lý, sửa đổi dự thảo văn bản nhằm tạo điều kiện cho cơ quan soạn thảo tiếp thu một cách tốt nhất ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Hành chính tư pháp: không ngừng tạo thuận lợi nhất cho người dân
Trên cơ sở thống nhất của cán bộ, công chức Vụ Hành chính tư pháp và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ, Phó Vụ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, từ những bước phát triển mới qua kết quả năm 2012, công tác hành chính tư pháp năm 2013 sẽ tập trung vào đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế cho sự phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đặc biệt là hoàn thiện Luật Hộ tịch, xây dựng Luật Chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường kiểm tra công tác hành chính tư pháp ở địa phương, phát hiện thiếu sót (nếu có) và những khó khăn, vướng mắc để kịp thời uốn nắn, giải quyết, đặc biệt là các việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, việc triển khai thực hiện Luật Quốc tịch 2008, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về hành chính tư pháp…
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, “công tác hộ tịch, quốc tịch và chứng thực là hoạt động có nhiều sự nhạy cảm, tác động trực tiếp đến người dân nên Vụ cần tăng cường hơn công tác cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đồng thời, nâng cao hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó”.
Xây dựng mô hình “điểm” Trung tâm Trợ giúp pháp lý
Đánh giá về kết quả công tác năm 2012, Q.Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) Trần Huy Liệu cho biết: Do triển khai quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành nên công tác TGPL đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về TGPL được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ được tăng cường. Chất lượng, hiệu quả công tác TGPL ở đa số các địa phương được duy trì ổn định…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ của Cục. Chẳng hạn như chưa làm tốt công tác cán bộ; tiến độ soạn thảo văn bản, đề án còn chậm, một số văn bản phải giãn tiến độ trình; việc hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ chưa thực sự tốt… Đối với phương hướng, nhiệm vụ công tác TGPL năm 2013, Thứ trưởng yêu cầu phải nâng cao chất lượng hiệu quả của các nhiệm vụ quản lý nhà nước và hướng dẫn địa phương xây dựng nguồn nhân lực để hướng hoạt động TGPL đúng tới đối tượng, đặc biệt là nên chọn một vài Trung tâm để xây dựng mô hình điểm, mẫu mực, làm chuẩn để nhân rộng ra cả nước; xây dựng và hoàn thiện Đề án đổi mới công tác TGPL; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Cục và các Trung tâm tại địa phương; thực hiện có hiệu quả, tiết kiệm các chương trình, Đề án về chính sách TGPL…
Năm 2012, Vụ Hành chính tư pháp đã rà soát, xử lý hồ sơ về quốc tịch với 9.134 trường hợp (giảm so với năm 2011 là 6.106 trường hợp), trong đó Chủ tịch nước đã ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam cho 1.790 trường hợp, cho thôi quốc tịch Việt Nam cho 9.358 trường hợp; có 1.768 trường hợp người không quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam (tính từ 1/1 đến 30/9/2012); tiếp nhận và giải quyết 2.626 trường hợp ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài; thực hiện tra cứu, xác minh quốc tịch theo yêu cầu của các cơ quan chức năng cho 1.643 trường hợp (chủ yếu là công dân Việt Nam xin đăng ký giữ quốc tịch và xác nhận có quốc tịch gốc Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài)… (Nguồn: Vụ Hành chính tư pháp) |
H.Giang – H.Thư