Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, Bộ Tư pháp chỉ đạo các Cục, Chi cục THADS phải ban hành Kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra hàng năm theo hướng mỗi năm 100% Cục, Chi cục thực hiện việc tự kiểm tra; Cục THADS kiểm tra toàn diện tối thiểu 2/3 số đơn vị trên địa bàn.
Trên cơ sở Kế hoạch kiểm tra, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao.
Cụ thể, năm 2019, Tổng cục THADS đã tổ chức Đoàn kiểm tra toàn diện về công tác THADS tại Cục THADS tỉnh Khánh Hòa, Chi cục THADS TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; kiểm tra chuyên đề về xác minh điều kiện thi hành án, phân loại án tại Cục THADS tỉnh Bình Phước, Chi cục THADS TP. Đồng Xoài và Chi cục THADS huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; kiểm tra chuyên đề về công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng tại Cục THADS TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Về cơ bản, các đoàn kiểm tra đã thực hiện theo quy trình kiểm tra mới, chú trọng đến chất lượng kiểm tra và đạt được một số kết quả nhất định. Bên cạnh việc ban hành Kết luận kiểm tra, còn ban hành kèm theo các phụ lục thống kê vụ việc vi phạm cụ thể. Thông quá đó, phát hiện, góp phần hạn chế sai sót, vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, giúp các cơ quan THADS địa phương nâng cao chất lượng các mặt công tác.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác kiểm tra hiện nay của Tổng cục THADS còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng trùng lắp về thời gian, địa điểm và nội dung giữa hoạt động kiểm tra của Tổng cục với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác; các yếu tố về khả năng, điều kiện về thời gian và nhân lực thực hiện của đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra đôi khi còn chưa hợp lý.
Các đoàn kiểm tra toàn diện công tác THADS còn chưa gắn với kiểm tra công tác tài chính – kế toán nên chưa kịp thời phát hiện ra các thiếu sót, vi phạm trong công tác này. Việc hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan THADS địa phương thông qua công tác kiểm tra còn hạn chế.
Việc đánh giá, phản ánh những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của đơn vị được kiểm tra còn chưa đầy đủ. Do đó, không kết luận về mức độ vi phạm hoặc không đưa ra được kiến nghị,giải pháp chỉ đạo sâu khắc phục những tồn tại, hạn chế đó. Sau kiểm tra, Tổng cục THADS chưa trực tiếp thực hiện kiểm tra việc thực hiện các Kết luận kiểm tra mà chỉ kiểm tra gián tiếp qua các báo cáo của các cơ quan THADS. Dẫn đến việc chậm khắc phục vi phạm, thực hiện kết luận không nghiêm túc, không đầy đủ hoặc không đúng.
Vì vậy, hiệu quả kiểm tra tại một số nơi còn chưa cao. Số công chức bị xử lý kỷ luận do vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ thi hành án diễn biến ngày càng phức tạp, theo chiều hướng tăng (năm 2018 có 17 trường hợp, năm 2019 có 25 trường hợp) nhưng công tác kiểm tra chưa ngăn chặn được tình trạng vi phạm này.
Để khắc phục phần nào những tồn tại hạn chế nêu trên, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về kiểm tra trong THADS, xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra làm căn cứ đánh giá công chức đối với Cục trưởng và xem xét thi đua đối với Cục THADS địa phương.
Tổng cục THADS tiếp tục đẩy mạnh phương châm “hướng về cơ sở”, tăng cường kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra chuyên đề, đột xuất với các đơn vị có lượng án lớn, tăng cường công tác hậu kiểm, nhất là việc khắc phục vi phạm. Thực hiện kiểm tra đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Quá trình kiểm tra phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện, chính xác những mặt làm được và những tồn tại, hạn chế, vi phạm của đơn vị được kiểm tra để kiến nghị, đề xuất giải pháp kịp thời, cụ thể, tương xứng với kết quả kiểm tra. Đối với các đoàn kiểm tra toàn diện, cần gắn cả kiểm tra công tác nghiệp vụ kế toán, tài chính để đánh giá đầy đủ, toàn diện quy trình tổ chức thi hành án tại đơn vị.
Đặc biệt, cần nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra từ công tác chuẩn bị đến triển khai kiểm tra, kết luận kiểm tra. Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các kết luận kiểm tra; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả kiểm tra để biểu dương đơn vị làm tốt, nhân rộng cách làm hay trong hoạt động THADS đồng thời răn đe, phòng ngừa, hạn chế mức thấp nhất các sai phạm trong công tác THADS.