Lấy nhau vì yêu nhưng nhiều lúc chị tự hỏi, một câu hỏi mà biết rằng nếu có trả lời thì cũng chẳng để làm gì. “Mình có còn là đàn bà không nhỉ?”
Bận việc - câu trả lời thường trực nơi anh mà chị đã quen. Cũng vì thế nên thành ra chị bỗng có nhiều điều tự hiểu. Khi con khoẻ là con của chúng mình. Còn lúc ốm là con của vợ có ngoài giá thú. Chuyện cha mẹ đôi bên mình vợ gánh vác. Rồi bóng đèn cháy, vòi nước bung. Mua bán, búa kìm cũng một tay vợ cả. Anh ra khỏi nhà khi chị còn túi bụi. Về đến nhà dù thấy vợ bận con kêu, trước sau anh vẫn một câu: Anh bận!
Có nhiều lúc chị tự hỏi. Một câu hỏi mà biết rằng nếu có trả lời thì cũng hư vô. “Mình có còn là đàn bà không nhỉ?”. Hỏi thế chỉ bởi thèm một lời khen cho tấm áo đi làm. Thèm một buổi chiều thong dong dạo phố. Và chỉ thế thôi chứ nào dám mơ thêm.
*
Vẫn nghe người đời kháo rằng nhiều vụ xét xử ly hôn tại tòa còn ly kỳ hơn cả án hình sự. Vì không những đủ hỉ nộ ái ố mà còn có cả sự ngỡ ngàng.
Ngỡ ngàng khi những người đã từng đầu gối tay ấp thề yêu nhau cạn biển dời non nay lại xỉa xói, lăng mạ nhau như hai kẻ thù. Ngỡ ngàng khi những đứa trẻ - chiếu cầu yêu thương kết nối mẹ cha – bị chính cha mẹ chúng xé đôi như xé một tờ giấy, mảnh vải. Ngỡ ngàng khi những tập hồ sơ ly hôn dày như không thể hơn được nữa với hàng loạt các lá đơn kiến nghị, kêu cứu gọi chồng về với vợ, vợ về với chồng, trả lại con cho bố, mẹ, mang lại cháu cho ông bà…
Hôm nay, chị đã được chứng kiến tất cả trong vụ ly hôn của người bạn. Bước chân ra khỏi sân tòa, chị đau đớn như chính mình là người trong cuộc. Chồng đẹp, con ngoan, nhà cao, cửa rộng còn mong gì hơn. Nhưng từ trong sâu thẳm chị thấy nghi ngờ cái hạnh phúc mà mình đang sở hữu. Nó thật dễ dàng vì có phải xây dựng trên nền tảng dối gian?
Nhiều lúc nhìn anh, chị tự hỏi đôi mắt ấy, cái miệng ấy liệu đã biết bao lần nói dối? Cánh tay kia liệu đã bao đàn bà con gái dựa vào ngoài chị?
Ta muốn gì? Chị đã bao lần tự hỏi mình như thế. Không giải thoát, không tung cánh, không phá tan… Yên phận trong chiếc lồng nghi ngờ hạnh phúc.
*
Sau hai chục năm cưới nhau, chiếc nhẫn cưới đã trở nên quá chật, chiều nay chị loay hoay mãi mới tuột được khỏi ngón tay. Một vành trắng mờ, hằn thật sâu trên ngón áp út bàn tay trái của chị khiến chị cứ lạ lẫm nhìn mãi, như thể đó không phải là của mình.
Rồi, chị tự hỏi khi cuộc hôn nhân này vỡ tan, liệu trong tim mình có vết hằn thế không? Chắc là không đâu, chị lại tự trả lời mình, vì mình đâu còn yêu chồng nữa.
“Ngày nào mình cũng tháo ra đeo vào, vậy mà sao vẫn khó khăn quá, chắc là do chật, khi nào rỗi ra hàng nhờ người ta nong ra vậy”, anh nghĩ. Bước ra khỏi cổng cơ quan với ngón tay khuyết chiếc nhẫn cưới, anh thấy đời mình trẻ lại, nhẹ nhõm như bản nhạc anh đang huýt sáo. “Tình yêu của anh” đã chờ trước cửa.
Buổi tiệc kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới của họ thật vui. Không ít ánh mắt ghen tỵ, khát thèm. Hai bàn tay nâng ly lấp lánh hai chiếc nhẫn. Đều đã được nong rộng ra để tiếp tục làm “nhiệm vụ” trên những ngón tay. Nhưng vết hằn thì còn mãi.
*
Đàn bà ơi, đời là vô thường. Được và mất là lẽ thường tình, thế nên cũng nên bình thản. Vì dù sống cuộc đời bình thường hay đau buồn, thú vị, thì chúng ta cũng đều là những người lữ hành giữa đất trời này. Đến rồi lại đi chẳng thể ai níu giữ…