Cô gái bất hạnh
Là người phụ nữ có nhan sắc nhưng cuộc đời của chị Kha Thị Hương (SN 1991, trú xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An) lại trải qua nhiều biến cố. Vào năm 2014, khi mới bước sang tuổi 23, chị đã trải qua hai lần đổ vỡ trong hôn nhân.
Trước đó, khi là sơn nữ vừa tròn 18 tuổi, chị Hương kết duyên vợ chồng với người đàn ông cùng bản. Thế nhưng, hạnh phúc của cuộc hôn nhân ấy lại quá ngắn ngủi. Vài năm chung sống sau khi phát hiện chồng nghiện ngập, không tu chí làm ăn, hai người đường ai nấy đi. Hương ôm con nhỏ về nhà cha mẹ đẻ sinh sống.
Ở vậy nuôi con một thời gian, chị Hương quyết định đi bước nữa nhưng người chồng này cũng nghiện ma túy. Hôn nhân sớm rạn nứt khi đứa con chung mới học mẫu giáo. Cũng như lần trước, chị Hương được quyền nuôi con nhỏ.
Hai cuộc hôn nhân liên tiếp đứt gánh khiến chị Hương chán nản nhưng vẫn cố gượng vì các con. Đang trong lúc túng quẫn, chị bất ngờ nhận được lời đề nghị đi làm thuê của dì ruột Lô Thị Thuyên (SN 1954, trú xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Đó là một ngày đầu tháng 9/2014, Thuyên cùng với Kha Văn Ngọc (SN 1964, trú xã Lạng Khê, huyện Tương Dương) đi xe máy đến nhà bố mẹ đẻ chị Hương. Tại đây, Thuyên và Ngọc cho biết đang cần tìm người ra tỉnh Lào Cai làm công nhân dệt vải với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Trước lời đề nghị hấp dẫn, hơn hết vì tin tưởng tuyệt đối vào người thân nên chị Hương và gia đình hoàn toàn đồng ý.
Ngày 3/9, Ngọc chở chị Hương xuống khu vực bến xe Vinh để lên xe khách ra Móng Cái (Quảng Ninh). Vừa lên xe, Hương được một người phụ nữ tự giới thiệu tên Hồng đến bắt chuyện, dẫn đi. Sau đó, chị Hương bị người dẫn đường ấy đưa sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Tại xứ người, chị Hương bị bán cho một người đàn ông bản địa với giá 5,5 vạn nhân dân tệ (tương đương 180 triệu đồng Việt Nam). Chỉ đến lúc này, nạn nhân mới biết mình đã bị lừa bán. Đau đớn, tủi nhục nhưng vì không thể trốn khỏi gia đình nhà “chồng” nên chị Hương đành cắn răng chịu đựng, giả vờ phục tùng.
Đầu tháng 2/2018, Hương lừa xin gia đình nhà chồng cho về Việt Nam để đón con trai sang chung sống. Được sự nhất trí của nhà chồng, chị Hương liền khăn gói đồ đạc trở về Việt Nam. Khi đã đặt chân đến quê nhà, người phụ nữ này đã làm đơn trình báo cơ quan chức năng. Kha Văn Ngọc và Lô Thị Thuyên lần lượt bị công an bắt giữ.
Chỉ đến lúc này, chị Hương mới biết rằng, người phụ nữ giả vờ đi cùng chuyến xe ra Móng Cái năm nào là Ỏn (tên gọi khác là Hồng). Ỏn chính là đối tượng rỉ tai cho nhiều người, trong đó có Ngọc về việc tìm các cô gái trẻ để bán sang Trung Quốc kiếm tiền.
Nước mắt bị cáo
Tại phiên xét xử ngày 12/10, Thuyên khai bố đẻ tên Vi Văn Khuê (trú xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) là liệt sĩ. Đây là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật nhưng trong hồ sơ không thể hiện điều này. Bởi vậy HĐXX tạm dừng phiên xử để xác minh thông tin.
Ngày 22/10, sau thời giam tạm dừng, phiên tòa tiếp tục làm việc. Kết quả xác minh từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Tương Dương cho thấy, trong hồ sơ lưu trữ người có công của huyện không có ai có tên như bị cáo Thuyên cung cấp.
Xác minh của Công an huyện Tương Dương cho thấy bố của bị cáo Thuyên trước đây làm Xã đội trưởng và đã qua đời vì bạo bệnh chứ không phải hi sinh như Lô Thị Thuyên khai. Sau khi bố Thuyên chết, mẹ đi bước nữa và chuyển cả gia đình lên xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn sinh sống.
Tại tòa, trong khi Kha Văn Ngọc thừa nhận hành vi phạm tội của mình thì Lô Thị Thuyên cho rằng việc làm của mình là để “giúp” cháu chứ không phải nhằm mục đích bán cháu sang Trung Quốc lấy tiền. “Cháu Hương trải qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cả hai lần đều lấy phải chồng nghiện ngập, nghèo đói. Cháu nói khổ quá, muốn đi lấy chồng nước ngoài cho đỡ khổ nên khi được Ngọc bảo tìm người đưa sang Trung Quốc, bị cáo đã liên hệ với cháu”, bị cáo Thuyên nói.
Về động cơ phạm tội, Ngọc khai, khoảng tháng 8/2014, nghe tin có một người phụ nữ tên Ỏn ở huyện Tương Dương thường đưa các cô gái Việt Nam sang Trung Quốc và sẽ trả tiền công cho người giới thiệu nên tìm cách liên hệ.
Qua điện thoại, người này cho Ngọc biết nếu giới thiệu được các cô gái trẻ để bán sang xứ người sẽ nhận được tiền công từ 20 đến 30 triệu đồng/người. Trước lời mời chào quá hậu hĩnh, Ngọc liền kết nối với Thuyên để cùng “làm ăn”.
Bị cáo Thuyên vốn là cán bộ phụ nữ của bản. Cách đây 5 năm, do sức khỏe kém nên xin nghỉ. Từng trải qua chức vụ liên quan đến việc bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, nhưng vì lợi nhuận, chính bàn tay Thuyên đã đẩy cháu của mình sang xứ người.
Việc làm của Thuyên khiến gia đình, người thân buồn phiền, bức xúc. Nhưng trước mối thân tình, nạn nhân đã quyết định viết đơn xin giảm án cho bị cáo Lô Thị Thuyên. Tham dự phiên tòa, bố của nạn nhân cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho nữ bị cáo.
Nhận định hành vi của Lô Thị Thuyên và Kha Văn Ngọc là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm quyền và nhân phẩm của người phụ nữ…, xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Kha Văn Ngọc 5 năm tù, Lô Thị Thuyên 4 năm 6 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, gia đình nạn nhân Hương yêu cầu 2 bị cáo bồi thường 100 triệu đồng.Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình các bị cáo đã khắc phục cho bị hại 63 triệu đồng. HĐXX buộc Kha Văn Ngọc và Lô Thị Thuyên phải bồi thường 37 triệu đồng còn lại cho bị hại, chia đều cho mỗi người 17,5 triệu đồng.
Tòa kết thúc, thấy Lô Thị Thuyên bị dẫn giải đi, đoàn cháu nhỏ tay xách, nách mang theo đồ tiếp tế liền chạy theo. Vừa chạy, đám trẻ nhỏ vừa khóc, liên tục gọi tên bà ngoại. Nghe tiếng các cháu, bị cáo với mái tóc bạc chỉ biết ngoái đầu, hai bàn tay bưng mặt rơi nước mắt, hối hận.
*Tên nạn nhân đã được thay đổi