[links()]Như vậy là đã hơn 1 tháng kể từ ngày Hà Nội bước vào thay đổi giờ học, giờ làm tại 12 quận, huyện. Về cơ bản, việc đổi giờ đã tạo nên hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cũng trong thời gian hơn 1 tháng qua, nhiều vấn đề khách quan, chủ quan đã nảy sinh.
Còn nhiều ĐH, CĐ và THCN chưa đổi giờ
Trao đổi với báo chí tại phiên họp “Sơ kết kết quả đổi giờ học, giờ làm”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho biết, sau hơn một tháng đổi giờ học, giờ làm, nói chung kết quả ban đầu đã có chiều hướng tích cực. Phần lớn các điểm “đen” thường xuyên ùn tắc, sau đổi giờ mật độ phương tiện đã giảm đáng kể vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, giờ cao điểm cũng giãn ra thành hai tiếng, thay vì một tiếng như trước đây.
Giao thông đã giảm ùn tắc rõ rệt sau khi đổi giờ. Tuy nhiên đã xuất hiện nút ùn tắc mới. |
Tuy nhiên, cũng theo ông Thảo, việc đổi giờ vẫn đang còn bị nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến. Cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phương án để vừa giảm ùn tắc nhưng vẫn đảm bảo giờ sinh hoạt từ già tới trẻ, từ công chức tới ngành nghề khác, giảm tối thiểu hệ lụy tiêu cực tới đời sống người dân. Ông Thảo cũng nhấn mạnh, không thể coi đây là giải pháp tối ưu để giải quyết nạn ùn tắc mà chỉ nên coi đó chỉ là giải pháp tình thế.
Trong cuộc họp, ông Thảo cũng đã đặc biệt nhấn mạnh về hiện tượng một số trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp vẫn chưa thực hiện việc đổi giờ như quy định.
“Quyết định đổi giờ là quyết định hành chính thì tất cả đơn vị nằm trên địa bàn phải chấp hành. Sở GTVT phải đi kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các trường. Nếu sau đấy các trường vẫn không thực hiện thì mới báo cáo cơ quan chủ quản.
Nếu các trường vẫn không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế, xử phạt. Riêng một số trường hệ phổ thông nằm ở các quận, huyện khu vực không ảnh hưởng gì lớn tới giao thông giờ cao điểm thì cho thực hiện đổi giờ trở về thời điểm ban đầu như chưa đổi”, ông Thảo cho biết.
Đã xuất hiện nút ùn tắc mới
Cũng tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, mới có 106/118 trường (90%) thực hiện đổi giờ học kể từ khi bắt đầu thực hiện việc đổi giờ đến nay.
Theo ông Hùng, qua công tác kiểm đếm phương tiện tại một số nút giao thông tập trung đông phương tiện vào thời điểm trước và trong khi đổi giờ cho thấy lưu lượng phương tiện tại các nút trọng điểm đã phân bố giãn đều ra các giờ khác nhau, không tập trung quá đông vào giờ cao điểm như khi chưa đổi giờ.
Ông Hùng cũng đã đưa ra con số thống kê cụ thể. Đó là: Vào giờ cao điểm mật độ phương tiện đã giảm từ 5-15% . Tại một số nút vượt khả năng thông qua chỉ còn 1,2-1,9 lần, trong khi thời điểm trước đổi giờ chỉ số này là từ 1,5-2,3 lần, thậm chí có điểm vượt 4-5 lần. Sau đổi giờ, thời gian chuyến đi cũng được rút ngắn, giảm từ 10-15 phút so với trước.
Tuy có nhiều mặt tích cực nhưng ông Hùng vẫn thừa nhận đang còn không ít vấn đề đã phát sinh sau việc đổi giờ. Trên một số tuyến phố tình hình giao thông không thay đổi nhiều và xuất hiện hiện tượng ùn tắc mới, như nút Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã, Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn – Khâm Thiên, tuyến La Thành…
Theo ông Hùng, các điểm ùn tắc trên đều nằm trên những tuyến trục chính, nơi có một số lượng lớn thành phần tham gia giao thông không phải là cán bộ, công chức nên không chịu tác động từ công tác đổi giờ.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện đổi giờ, tình trạng tắc đường đã giảm từ 2/3 đến một nửa số vụ tắc. Việc thay đổi giờ tan học của học sinh THPT từ 19h lên 18h đã làm gia tăng thời gian ùn tắc so với phương án tan học trước đó. Điều này giúp giảm bớt sức ép tại các ngã tư, các điểm nóng ùn tắc như trước đây. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp kéo dài giờ cao điểm nên chỉ giảm được tình trạng tắc nghẽn. Còn tình trạng ùn ứ giảm không rõ rệt, về cơ bản vẫn như cũ. |
Hồng Trang