Trẻ có thể mắc vấn đề tâm lý từ nhỏ
Khi con vào lớp 1, chị T.H.A thường xuyên bị cô giáo mời đến trường vì con ít chịu giao tiếp với bạn bè, hay nổi giận và đánh bạn. Sự việc diễn ra một thời gian dài, mặc dù vợ chồng chị la mắng con, sử dụng đòn roi đe nẹt lẫn những lời khuyên nhủ tỉ tê, mọi việc vẫn diễn ra như cũ.
Bất lực và lo lắng, anh chị đã đưa con đến khám tâm lý tại bệnh viện và được biết con mình có những triệu chứng rối loạn tâm lý. Đáng nói là bé trai đã có những triệu chứng này từ vài năm trước, như chán ăn bất chợt, dễ khóc, cảm xúc thất thường, khép kín, không muốn chia sẻ với cha mẹ... Nhưng vợ chồng chị đã đánh đồng những triệu chứng này với “khủng hoảng tuổi lên 5” và nghĩ rằng qua những cột mốc tuổi “nổi loạn”, con sẽ trở lại bình thường.
Nhiều trường hợp cũng tương tự như gia đình chị H.A. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, phụ huynh vẫn chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề tâm lý của con trẻ. Nhiều trường hợp, con đã có những dấu hiệu rối loạn tâm lý từ khá sớm, nhưng cha mẹ không để tâm do bận rộn hoặc thiếu kiến thức. Có những sự việc, các rối loạn, tổn thương theo trẻ từ lúc nhỏ, không được tháo gỡ, điều trị kịp thời đã trở thành những căn bệnh về tâm lý, tâm thần khi trưởng thành, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, những rối loạn tâm thần, tâm lý ở trẻ em thường rất dễ nhầm lẫn với các hành vi bình thường khác ở trẻ. Đồng thời, tâm lý của trẻ sẽ thay đổi qua từng độ tuổi. Vì vậy, những bất thường về tâm lý, tâm thần ở trẻ dễ bị phụ huynh bỏ sót.
Thông tin tại Hội thảo góp ý Đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2023 - 2030 do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức vào tháng 8/2023 cho thấy: 21,7% trẻ 10 - 17 tuổi ở Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng chỉ 5% phụ huynh thấy con cần được giúp đỡ. Cũng theo khảo sát, chỉ có 5,1% phụ huynh xác định trẻ cần giúp đỡ về các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua. Tỷ lệ số ca tự tử trên tổng số ca tử vong ở trẻ vị thành viên là 2,3%.
Cha mẹ cần làm gì?
Nhiều bậc cha mẹ chỉ nhận thấy con có vấn đề tâm lý khi hậu quả xấu đã xảy ra. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định việc nhận biết và xử lý các vấn đề này có thể được thực hiện một cách hiệu quả nếu có sự quan tâm sâu sát và sự chú ý đến các dấu hiệu tiêu cực từ phía con.
Một trong những khía cạnh quan trọng là giao tiếp chặt chẽ giữa cha mẹ và con. Đó là việc tạo ra một môi trường an toàn và tin tưởng giúp con cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ về tâm lý của mình.
Đồng thời, việc quan sát các biểu hiện tiêu cực từ con cũng là điều rất cần thiết trong suốt quá trình nuôi dạy con. Sự thay đổi trong hành vi, giảm hiệu suất học tập, thay đổi ngôn ngữ, thay đổi thói quen hàng ngày... có thể là những dấu hiệu cảnh báo. Việc phát hiện sớm những thay đổi này giúp cha mẹ can thiệp kịp thời và ngăn chặn vấn đề để mọi việc không trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi phát hiện ra con có những dấu hiệu bất ổn, sự hỗ trợ tâm lý từ gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con vượt qua khó khăn. Cha mẹ cần tạo điều kiện cho con thảo luận một cách cởi mở, khơi gợi những điều con giấu kín trong lòng, hỗ trợ tìm kiếm giải pháp và giúp con phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề con đang gặp phải.
Cạnh đó, cha mẹ cũng cần nhìn nhận vào thực tế những vấn đề tâm lý nghiêm trọng mà con đang mắc phải, kịp thời nhờ đến môi trường y tế chuyên nghiệp để điều trị cho con.
Trả lời trên truyền thông, chuyên gia Tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ: “So với nhiều chuyên khoa khác, tâm lý trong môi trường bệnh viện là một lĩnh vực còn khá mới mẻ với nhiều người. Chính vì thế, phụ huynh khá e dè khi đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ.
Đối diện với các vấn đề tâm lý ở trẻ em, phụ huynh dễ có hai cách nhìn nhận khá cực đoan. Nhiều người cho rằng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, con trẻ sẽ không có gì để lo lắng hay buồn bã. Ở thái cực ngược lại, nhiều bậc cha mẹ lại sợ hãi vì liên tưởng đến các bệnh lý “tâm thần”, “khùng điên”…
Tuy nhiên, bên cạnh các bệnh về thể lý thì sức khoẻ tinh thần cũng là yếu tố cần được quan tâm. Nhiều trẻ có các vấn đề liên quan đến tâm lý dẫn đến các rối loạn trong sinh hoạt, học tập, thậm chí còn có thể gây ra những cơn đau thể chất. Yếu tố gia đình, học đường, bạn bè, có thể là nguyên nhân đưa đến các khó khăn trong tâm lý ở trẻ trong bất kỳ lứa tuổi nào”.