Cuộc sống tinh thần nghèo nàn
Theo tìm hiểu, các công ty trong KCN cần tuyển công nhân với số lượng nhiều nên yêu cầu trình độ rất thấp. Chỉ cần có bằng THCS trở lên là có thể đi làm, mặt khác công nhân ở đây chủ yếu xuất thân nông nghiệp rời làng quê xuống thành phố làm thuê nên nhận thức còn nhiều hạn chế.
Họ không có điều kiện nắm bắt kịp các sự kiện xảy ra hàng ngày, những tin tức hay chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Khi được hỏi những vấn đề liên quan tới hợp đồng lao động cũng như quyền lợi của NLÐ, hầu như CN đều không biết, khiến họ không thể đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. CN thường xuyên phải làm việc tăng ca nên không có thời gian để thư giãn, giải trí.
Với mức thu nhập còn thấp, trong khi đó lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, tiền lương hàng tháng chủ yếu dành cho nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chi trả tiền thuê nhà ở, đi lại, may mặc, phương tiện sinh hoạt cá nhân, nên đời sống người lao động vô cùng khó khăn.
Vì vậy, đa phần người lao động thiếu điều kiện để thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hoá tinh thần như vui chơi giải trí lành mạnh, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu... Bao năm làm công nhân, họ chỉ biết làm bạn với nhà xưởng và 10m2 phòng trọ. Nhiều người không thể trụ vững với những khó khăn đã lao vào cờ bạc, đề đóm, mại dâm... Thực tại thì gian nan, còn tương lai thì mờ mịt. Mọi ngang trái đều có nguyên nhân chủ yếu từ chính đồng lương eo hẹp, trong khi giá cả các mặt hàng sinh hoạt đều tăng.
Việc sống thử của công nhân trong các KCN đã thành thông lệ. |
“Sống thử” kiểu công nhân hậu quả khó lường
Cô đơn, xa nhà, đời sống tinh thần vật chất nghèo nàn... dẫn đến những cuộc tình dễ dãi quanh quẩn trong các khu công nghiệp. Những mối tình "sống thử" diễn ra chóng vánh khiến cuộc sống của nhiều nữ công nhân càng trở nên bi đát, không lối thoát để lại nhiều hậu quả khôn lường. Kết cục của những cuộc đời bi kịch dồn hết vào cuộc đời những đứa trẻ.
Ở KCN này không thiếu những đứa bé được sinh ra thiếu vắng hình bóng cha hoặc nghiệt ngã hơn, có những đứa trẻ bị bỏ đi khi chưa kịp chào đời.
“Chủ quy định 4 người ở một phòng, còn nam hay nữ, vợ chồng hay anh em thì không cần biết, miễn sao đóng tiền phòng, điện nước hằng tháng đầy đủ, không quậy phá, gây gổ đánh nhau là được. Vì vậy, chuyện công nhân “góp gạo thổi cơm chung” rất bình thường ở đây” - chị Thủy, người dân sống gần KCN cho biết.
Tôi đến một nhà trọ khác khi trời đã nhá nhem tối để tìm hiểu về trường hợp nữ công nhân H.(Sn 1993) có bầu 5 tháng dù chưa hề kết hôn. Theo lời H., cô và bạn trai người chỉ mới quen biết mấy tháng, hai người gặp nhau lúc mới xuống KCN. Họ quyết định sống chung để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
“Cậu thanh niên ấy rõ ràng có bạn gái bầu vượt mặt ngay trong phòng nhưng vẫn công khai trêu ghẹo, tán tỉnh hết cô gái này đến cô gái khác trong khu trọ. Có lần không hiểu cô gái mắc lỗi gì mà đang mang thai cũng bị cậu ta bắt quỳ hơn một tiếng dưới nền nhà, cả xóm này đi qua đều biết chuyện ấy. Cãi nhau, cô gái từng bỏ đi hơn ngày rồi lại về”, chị Trang-người sống sát phòng H. kể lại.
Lúc nói chuyện với tôi, cô gái trẻ mới ở tuổi đôi mươi chỉ nghẹn nghào được mấy câu: “Việc lỡ có thai em giấu cả gia đình, tối nào nó cũng bỏ đi chơi đến tận khuya, em biết em dại nên giờ khổ cũng đành chịu”.
Câu chuyện đang dở, tôi nghe có tiếng cãi vã nhau, tiếng đứa trẻ khóc ngằn ngặt. Chị Tuyết bảo đó là cặp vợ chồng đầu dãy gặp khó khăn do có hai đứa con. Tháng qua, hai vợ chồng làm không đủ tiền mua sữa cho đứa nhỏ, đóng tiền học cho đứa lớn. Ði làm cả ngày quần quật, về nhà gặp nhau lại tiếng bấc, tiếng chì. Những lời qua tiếng lại, những câu chuyện cãi vã vì cuộc sống quá túng bấn giữa các đôi vợ chồng công nhân khiến khu trọ thi thoảng lại chìm trong não nề, ảm đạm./.