Lặng lẽ hơn 10 năm không tên
Điểm sơ cấp cứu thuộc Hội Chữ thập đỏ tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu vừa được ra mắt đưa vào hoạt động, với nhiệm vụ trọng tâm là nhanh chóng giúp đỡ nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7A, 48… xảy ra gần đó. Xuất phát từ thực tế địa bàn huyện Diễn Châu hiện có 58 km Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7A, 7B, Quốc lộ 48 chạy qua và là một trong những huyện thường xảy ra tai nạn giao thông. Theo thống kê trong 2 năm 2015 và 2016 có 73 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 7 vụ đường sắt làm chết 54 người, bị thương 53 người; đáng chú ý có khoảng 10% người bị chết, thương tật vĩnh viễn do không được sơ cấp cứu kịp thời.
Dự án xây dựng Điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ tại huyện Diễn Châu là một tiểu hợp phần của dự án “Xây dựng cộng đồng an toàn trước biến đổi khí hậu và rủi ro thảm họa tại Việt Nam giai đoạn 2015-2017” do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ qua Hội chữ thập đỏ Việt Nam.Điểm sơ cấp cứu được Sở Y tế cấp phép cung cấp một số thiết bị sơ cấp cứu như tủ thuốc, cáng cứu thương…Được tham gia tập huấn kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông, được tặng túi cứu thương và thẻ chứng nhận hoạt động…
Điểm cấp cứu chữ thập đỏ tại Diễn Châu có 60 tình nguyện viên tham gia, trong đó Điểm sơ cấp cứu tại xóm 16, xã Diễn Yên (ngã ba Yên Lý) có 20 tình nguyện viên đến từ 3 xã Diễn Trường, Diễn Yên và Diễn Hồng; 40 tình nguyện viên còn lại thuộc 9 xã có Quốc lộ 1A đi qua, bình quân mỗi xã từ 4- 5 người.
Sau hơn 10 năm hoạt động theo một cách tự phát, với những thành viên tự do, từ ngày 17/5/2017 Điểm sơ cấp cứu chính thức được đi vào hoạt động có quy củ, điểm đặt tại nhà riêng ông Hoàng Văn Dự (xóm 16, xã Diễn Yên). Đây cũng là Điểm sơ cấp cứu Chữ thập Đỏ đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Từ ngày Điểm được đặt tại đây ngôi nhà ông Dự đông đúc hơn ngày thường, cảm nhận được việc làm có ích nên nhiều người dân đôi lúc ghé thăm tặng nải chuối, mấy trái hoa quả hay đôi lúc là bát chè xanh để mọi người ngồi trực. Tại điểm luôn có thành viên trực, khi nghe điện thoại báo sẽ ghi lại thông tin địa điểm xảy ra tai nạn và điều phối các thành viên ở gần điểm tai nạn nhất để đến cứu kịp thời.
Mong các thành viên không có việc để làm
Anh Lê Đức Sơn, điểm trưởng Điểm sơ cấp cứu vừa là thành viên đội an ninh xã Diễn Yên chia sẻ, mô hình hỗ trợ, giúp đỡ những người bị tai nạn giao thông này đã có từ hơn 10 năm trước, khi đó 5 tài xế xe ôm không ai trả lương nhưng đã không khoanh tay đứng nhìn khi gặp tai nạn giao thông. Hỗ trợ sơ cứu ban đầu, đưa người bị nạn đưa đến trạm y tế, bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Thấy việc làm có ích, từ 5 người tăng lên 10 người rồi 20 người… dù không có bất cứ đồng tiền hỗ trợ nào nhưng ai cũng lặng lẽ làm việc mỗi khi có việc xảy ra. Các thành viên trong điểm người là tài xế taxi, người làm xe ôm, người bán hàng rong hay công an viên xóm… tất cả đều ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Anh Sơn chia sẻ thêm, bây giờ khi trang thiết bị được trang bị khá đầy đủ cho việc sơ cứu, còn có gang tay nữa. Nhưng trước đó, “tay không bắt giặc” mà không có ai nghĩ đến bị lây bệnh truyền nhiễm từ máu các nạn nhân. Chỉ đến khi xong việc rồi mới “rùng mình” nghĩ lại thấy ghê chứ không ai nghĩ đến. “Tất cả các anh em trong điểm đều có quan điểm chung là thấy người bị nạn sẵn sàng giúp đỡ không mang danh lợi hay được mất gì. Nhiều người cứ nghĩ mình cho mượn nhà lập Điểm sơ cấp cứu hoạt động chắc cũng được cái này cái khác… đôi lúc cũng buồn nhưng cái tâm mình như thế nào thì chỉ có người gặp nạn và người nhà họ hiểu nhất…”, ông Hoàng Văn Dự chia sẻ.
Với họ, những con người quần quật mưu sinh vì cuộc sống, vì gia đình nhưng họ sẵn sàng thả bát đũa xuống trong bữa ăn nếu có người gọi cần giúp đỡ. Nhiều đêm trong chăn ấm đệm êm nhưng nhận được điện thoại là tung chăn dậy quên lạnh lao đến nơi có người gặp nạn… là những chuyện mà thường ngày họ trải qua. Hơn 10 năm qua, họ không nhớ nổi đã giúp đỡ bao nhiêu người gặp nạn, nhiều người được họ sơ cứu kịp thời đã giữ được tính mạng, cũng có trường hợp nặng quá không qua khỏi.
Cũng có những người được giúp đỡ, khỏe mạnh tìm gặp hoặc gọi điện thoại nói một câu cảm ơn là họ mát lòng mát dạ. Tất nhiên cũng có những người không nói được một câu cảm ơn, điều đó cũng không quan trọng đối với họ. Ngoài việc cứu người được cám ơn thì cũng có trường hợp bị “vạ lây” khi cứu xong, đưa người bị thương đến cấp cứu tại bệnh viện thì người nhà đến tưởng họ là người gây tai nạn. “Chuyện bị bóp cổ áo, đòi đánh như cơm bữa, đôi lúc cũng bực lắm vì tính mạng người thân họ đang trong phòng cấp cứu, phải giải thích mãi mới hiểu”, anh Trịnh Văn Phương một thành viên tâm sự.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, đã từ hơn chục năm qua những tình nguyện viên này không quản ngại khó khăn để cứu người bị nạn, không trông mong được ai đền ơn. Giờ đây, khi Điểm sơ cấp cứu chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, họ được trang bị thêm nhiều dụng cụ cứu hộ, sơ cứu, được tập huấn nghiệp vụ… họ lại mong họ không có việc để làm, để bớt đi những cảnh đau thương, để họ không phải làm cái việc “bất đắc dĩ” đó nữa.